“Bà hoàng của các hãng đĩa nhựa” Phượng Liên: Xế bóng hoàng hôn sống với quá khứ lừng lẫy vang bóng một thời

“Bà hoàng của các hãng đĩa nhựa” Phượng Liên: Xế bóng hoàng hôn sống với quá khứ lừng lẫy vang bóng một thời

05/11/2019
633 Lượt xem

(CLV) – Ở tuổi 72, nghệ sĩ Phượng Liên vẫn sở hữu giọng hát ngọt ngào, mang âm sắc truyền cảm, nhất là khi bà tham gia các vở diễn về lịch sử dân tộc. Giờ đây, khi đã trải qua những thăng trầm với đủ hỉ nộ ái ố, bà luôn nhìn lại quá khứ cùng những kỷ niệm đẹp.

Nghệ sĩ Phượng Liên

Nghệ sĩ Phượng Liên

Vui vẻ nhìn về quá khứ

Nữ nghệ sĩ Phượng Liên tên thật là Lữ Phụng Liên (sinh ngày 14/7/1947 tại Cần Thơ), là một trong những nghệ sĩ tiếng tăm của sân khấu cải lương miền Nam trước năm 1975 (cùng thời với Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Vương,…). Phượng Liên diễn vai đào chánh và được rất nhiều người yêu mến. Trong suốt chặng đường nghệ thuật, Phượng Liên đã diễn và hát chung với rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Thành Được, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Phương Quang, Hồng Nga,…

Từ nhỏ, bà đã theo đoàn đi hát kiếm tiền và thích hát dù trong gia đình không có ai theo nghề. Không phải con nhà nòi nhưng bà lại may mắn được “trời ban” cho năng khiếu ca hát, chỉ cần nghe băng các nghệ sĩ gạo cội hát và tập theo là bà ca được liền. Không biết gì về nhịp điệu, bà chỉ nghe theo và hát trên nền nhạc thâu đĩa của các nghệ sĩ cải lương đi trước như nghệ sĩ Kim Chưởng, Năm Nghĩa, Thanh Hương, Thành Được, Út Bạch Lan, Thanh Nga,…

Thế rồi một hôm, khi đang chơi đùa cùng bạn bè trên đường, Phượng Liên ngâm vài câu vọng cổ trong vở tuồng Người vợ không bao giờ cưới của Thành Được và Út Bạch Lan thì được nghệ sĩ Phước Hậu phát hiện. Ông nhất quyết đi cùng cô bé tới tận nhà để xin ba mẹ cho dạy hát. Từ đó, Phượng Liên say mê vọng cổ, học rất nhanh và tập các vai diễn cải lương. Có thể nói, việc đạt được giải thưởng Thanh Tâm năm 1966, khi mới 19 tuổi là bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc đời lẫn sự nghiệp của bà. Dù thành công rực rỡ trong sự nghiệp nhưng bà không hề bị vùi chôn trong danh vọng mà ngày càng sáng lên qua các đoàn hát nổi tiếng như: Dạ Lý Hương, Bạch Tuyết Hùng Cường, Thái Dương, Sài Gòn Một… với các vai trong Lục Vân Tiên Kiều Nguyệt Nga, Lấy chồng xứ lạ,…

Trong sự nghiệp nghệ thuật lừng lẫy của mình, nữ nghệ sĩ Phượng Liên được xem là một trong “hai bà hoàng của các hãng đĩa nhựa” cùng với Mỹ Châu. Khá nhiều băng đĩa của Phượng Liên vẫn còn đến tận bây giờ. Bản thu âm đầu tiên mà Phượng Liên hợp tác với hãng đĩa Tứ Hải đó là Sao rụng giữa thiên hà của soạn giả Viễn Châu. Với bà, người nghệ sĩ chân chính là luôn biết vượt qua mọi thử thách của cuộc sống. Vì cuộc sống ít khi và được như ý mình mong muốn.

Đúng như lời người ta ví, đâu có ai được vẹn tròn tất cả, không ai trên đời này được đủ đầy mọi việc, được cái này thì cũng phải mất cái kia. Nhưng, với bà theo đuổi nghệ thuật là sự lựa chọn đúng đắn bởi đó là niềm đam mê của mình. Dẫu có ai hỏi bà về nghệ thuật thì bà luôn trả lời rằng, nếu bà được chọn lại thì bà vẫn chọn đi con đường nghệ thuật. Nếu còn kiếp sau thì bà vẫn xin được là nghệ sĩ nhưng mà xin làm nghệ sĩ nổi tiếng chứ đừng là người không ai biết.

Tuy thành công trong sự nghiệp nhưng cuộc sống đời thường, mà cụ thể là hôn nhân của nghệ sĩ Phượng Liên lại khá truân chuyên. Bà kết hôn lần đầu cùng với NSND Diệp Lang, họ có hai người con, 1 trai và 1 gái. Đến năm 1966 cuộc hôn nhân rạn nứt. Tuy hôn nhân “đứt gánh giữa đường” nhưng bà không hận, không ấm ức khi nhìn lại cuộc hôn nhân đầu. Nói về cuộc hôn nhân này, bà tâm sự: “Khi ông ấy tỏ tình thì tôi đồng ý, giống như cái duyên cái nợ, chuyện gì đến phải đến chứ tôi không nghĩ gì nhiều. Ngày đó, tôi thương Diệp Lang vì cái tài của ông ấy trong nghệ thuật, chứ ngày đó tôi là đào chính, nhiều kép đẹp trong đoàn thích tôi nhưng tôi không ưng ai mà lại thương một kép lão, tôi nghĩ đó là định mệnh, là duyên nợ. Nhưng khi về làm vợ rồi, về sống chung thì lại thấy có nhiều chuyện không hợp, tôi nhỏ hơn Diệp Lang nhiều tuổi, nhưng chồng lại chưa khi nào chiều chuộng tôi. Ông ấy khó tính, gia trưởng lắm và còn nhiều cái nữa nhưng tôi thấy cũng không nên nói. Người trong cảnh mới hiểu người trong cảnh, cứ coi như là cái nợ của tôi, kiếp trước thiếu thì tôi trả nên thôi… chia tay”.

Cuối năm 1972 đến khoảng đầu 1973, bà gặp người chồng sau này. Khi đến với chồng sau, bà vô cùng hạnh phúc vì được ông hết lòng chiều chuộng, nhẹ nhàng và chưa bao giờ có một lời nào lớn tiếng với bà. Bởi lẽ, vợ của người chồng sau này đã mất nên ông luôn thấu hiểu được nỗi đau và hai người luôn luôn biết trân trọng hạnh phúc đang có. Những năm tháng sau, bà cùng chồng sang Mỹ định cư và tiếp tục hoạt động nghệ thuật trên đất xứ người. Cuộc gặp gỡ với người chồng hiện tại là một bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc đời bà và mang nhiều hạnh phúc sau những truân chuyên của tuổi trẻ. Hiện tại, nữ nghệ sĩ luôn vui vẻ nhìn về quá khứ, bà luôn nhìn những gì tốt đẹp nhất về cuộc sống. Bà không bận tâm đến những buồn đau hay oán trách những chuyện đã qua, bởi hiện tại bà đang có cuộc sống viên mãn.

Vẫn nặng lòng với nghệ thuật

Trong nhiều năm trở lại đây, cải lương không còn được như thời xưa, khi nhớ lại những kỷ niệm, bà thấy buồn và tiếc nuối thời hoàng kim. Nghệ sĩ Phượng Liên luôn muốn làm sao để hun đúc lại sự yêu mến của khán giả dành cho bộ môn này, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bà cũng hy vọng, những người trẻ phải bảo tồn được nghệ thuật cải lương, bởi bộ môn này hay lắm. Dù hằng năm vẫn có những cuộc thi tìm kiếm nhân tố mới diễn ra nhưng số lượng nghệ sĩ gắn bó với nghề quá ít so với những bộ môn nghệ thuật khác.

Nhìn lại lớp nghệ sĩ hiện tại, dường như chưa có cái tên nào bật lên thành ngôi sao như những nghệ sĩ ở thời “hoàng kim”của cải lương. “Về Việt Nam lần này, tôi rất buồn khi các “cây đa cây đề”, những người bạn cùng thời với tôi như cố NSƯT Út Bạch Lan, Thanh Sang hay Ngọc Hương… đều đã lần lượt ra đi, “rơi rụng” từ từ mà chưa thấy “cây non” tiềm năng nào “nảy mầm” hoặc “nảy mầm” chút xíu rồi “chết”…

Không biết làm sao để vực dậy cải lương bây giờ”, nghệ sĩ Phượng Liên tâm sự. Nhìn những gì đang diễn ra, nữ nghệ sĩ nhận định, lý do khiến các bạn trẻ chưa thể thành sao một phần là do khán giả. Nghệ sĩ không bỏ khán giả nhưng khán giả bỏ mình, bởi xu hướng thưởng thức và giải trí hiện tại của công chúng. Họ cứ chạy theo những trào lưu mới như phim ảnh, gameshow… nên cải lương không còn đất diễn. Khi nhìn về quá khứ, ngược lại mấy chục năm trước đó thì đêm nào cải lương cũng sáng đèn và được đông đảo người đến xem ở khắp các sân khấu.

Khi được sống với nghệ thuật bà luôn cảm thấy vui và hạnh phúc. Bà luôn trân trọng mỗi dịp có cơ hội gặp lại đồng nghiệp thân thiết, bởi “giờ ai cũng lớn tuổi, cũng trên 70 hết rồi, còn bao nhiêu năm nữa để gặp lại và được mấy lần cùng đứng chung sân khấu như thế nữa”.

Trúc Chi

Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật số 173


5/5 - (3 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *