Bài Viết Cảm Nhận: Cải Lương Đang Chết Dần Trên Chính Cái Nôi Sinh Ra – Do Ai Và Vì Ai?

Bài Viết Cảm Nhận: Cải Lương Đang Chết Dần Trên Chính Cái Nôi Sinh Ra – Do Ai Và Vì Ai?

18/12/2017
639 Lượt xem

(CLV) – Trước khi vào bài viết, tôi xin nói rằng những lời nói sau đây của tôi là những suy nghĩ của riêng tôi. Mong tất cả bạn đọc hãy dành cho tôi sự tôn trọng. Xin cảm ơn

Đọc tựa đề bài viết chắc chắn bạn đọc cũng đã hiểu phần nào tôi muốn nói. Phải ! Cải lương đang chết dần mòn trên chính mảnh đất, chính cái nôi mà cải lương đã sinh ra. Tất nhiên tôi có những lý do rất chính đáng để nói như vậy.

Tôi đem đề tài này trao đổi với rất nhiều khán giả và các bậc trưởng bối trong ngành nghệ thuật cải lương. Tất cả đều phải đồng ý với tôi rằng “Cải lương như đang ở trên một con thuyền nhỏ bé lắc lư giữa biển khơi, chỉ cần một con sóng mạnh thì mọi thứ sẽ bị lật đổ hết cả”.

Vậy những lý do gì và vì ai mà cải lương phải điêu đứng như thế này?

Tôi còn nhớ có một cô nghệ sĩ trẻ đã từng nói rằng “Chính khán giả là người đã vùi dập chúng tôi, họ lúc nào cũng so sánh, họ chẳng hề ủng hộ chúng tôi một chút nào cả”

Vì câu nói này mà tôi đã phải cười khinh cô nghệ sĩ trẻ này. Cô ấy đổ lỗi cho khán giả, đổ lỗi cho những người đã yêu mến nuôi dưỡng tên tuổi của các nghệ sĩ cải lương. Thật nực cười lắm thay.

Khán giả họ chỉ đơn giản là những người bình thường, nhưng họ có tấm lòng yêu thương nghệ sĩ rất lớn. Nghệ sĩ dù có tài đến mấy nhưng khán giả không yêu thương thì cũng như bỏ thôi. Nghệ sĩ là kiếp làm dâu trăm họ, được lòng người này phải mất lòng người kia. Và phải chấp nhận những lời nói góp ý chê bai của khán giả để dần dần hoàn thiện nghề nghiệp của mình hơn.

Khán giả họ tất nhiên cũng phải so sánh thế này thế nọ, nhưng đối với những ai là khán giả “ngoại đạo” như tôi thì họ sẽ nhận xét rất công tâm theo những gì mà họ đã nghe và thấy. Không phải ai cũng như ai đâu. Mà cũng không ai rảnh rỗi đi vùi dập chính những nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật mà mình yêu thích cả.

Đổ lỗi cho khán giả chúng tôi, vậy các anh chị nghệ sĩ trẻ có bao giờ nhìn lại bản thân mình đã làm những gì chưa. Thay vì cố gắng trau dồi kỹ thuật ca diễn thì anh chị đua nhau tìm kiếm danh vọng tiền tài địa vị. Tôi nói điều này không sợ mất lòng, ai có làm thì người đó tự biết ai không làm thì thôi. Các anh chị đã từng nghiêm túc đem đến cho khán giả những vở diễn đầu tư nghiêm túc, những vai diễn cảm xúc dào dạt chưa. Hay lên sân khấu chỉ diễn như cho có, chẳng hề nhập tâm vào vai diễn, có khi còn hoang mang chẳng biết mình phải diễn gì nữa cơ. Thế mà các anh chị muốn kéo khán giả đến ủng hộ lắp đầy rạp, đó mãi là điều bất khả thi mà thôi.

Tôi bắt đầu đi sâu hơn vào vấn đề. Các anh chị than rằng không có kịch bản hay để các anh chị diễn, nên phải diễn lại những tuồng cũ v…v. Không có kịch bản hay hay tại anh chị ngại đầu tư, ngại phải bỏ tiền mua kịch bản rồi dựng. Kịch bản không phải là không có nhưng do chẳng có ai mua, có một số soạn giả nản quá phải bỏ nghề làm nghề khác kiếm ăn. Quan hệ trong nghề của tôi không được rộng nhưng cũng không phải là không có. Tôi từng gặp một soạn giả khá nổi tiếng của cải lương, ông đã nói với tôi rằng có rất nhiều kịch bản ông viết ra, không dám nói là hay nhưng nếu được dựng sân khấu thì chắc chắn không tệ. Nhưng chờ mãi chờ mãi cũng chẳng thấy nghệ sĩ nào mua. Ông đành phải ngậm đắng nuốt cay mà cất hết kịch bản bỏ nghề để kiếm cái nghề khác kiếm ăn. Đến cả tiền kịch bản ông nhận cũng chẳng bao nhiêu, có người thương họ hiểu chuyện còn trả tiền kịch bản, còn đa phần giờ họ toàn diễn chùa chẳng trả cho ông đồng nào cả. Thật ra các anh chị sợ bỏ tiền dựng rồi lỗ v…v chứ chẳng có lý do gì khác đâu. Các anh chị chỉ diễn lại những tuồng cũ xưa nhưng nếu để nói rằng đạt chưa, tôi chắc chắn câu trả lời là “chưa đạt”

Tiếp theo là đến vấn đề các anh chị nói rằng do không có ai đầu tư tài trợ. Nếu anh chị làm ăn nghiêm túc chuyên nghiệp thì sợ gì không có công ty hay cá nhân nào bỏ tiền đầu tư. Anh chị làm ăn chập giựt thì bảo ai mà dám đầu tư đây. Cái gì cũng phải có lý do hết, không phải khi không người ta lại không đầu tư cho các anh chị đâu.

Nói xa một chút về cải lương miền Bắc. Nói đến cải lương người ta biết cải lương lớn mạnh ở miền Nam. Nhưng đến cả tôi cũng phải trầm trồ thán phục trước những gì mà sân khấu cải lương miền Bắc làm được. Vở cải lương Mai Hắc Đế đã tạo nên ấn tượng khó phai đối với tôi. Trước tiên là về sự đầu tư không thể nào nghiêm túc hơn được nữa, kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Toàn bộ số tiền được huy động từ nhà hát, từ nguồn vốn xã hội hóa, trong đó có tiền của bạn bè và cả tiền túi của chính tác giả. Ê – kíp hùng mạnh với đội ngũ lên đến hàng trăm người cùng với nhiều thiết bị hiện đại được sử dụng. Những nghệ sĩ tài hoa nhất của nhà hát đều được huy động góp mặt trong đêm diễn. Họ ca diễn chẳng thua kém bất kỳ một ai cả, quá ấn tượng và quá hoàn hảo trong mắt tôi. Không những vậy họ còn tổ chức một tour diễn miễn phí với nhiều trường học trong tỉnh thành quận huyện. Sự đầu tư nghiêm túc nhiệt huyết của họ đã được đền đáp xứng đáng với doanh thu đạt mức khủng. Và họ có vẻ sẽ chưa dừng lại ở đây, họ sẽ còn ra mắt nhiều vở diễn hay và đầu tư nghiêm túc hơn nữa. Thế còn cải lương miền Nam chúng ta đang làm những gì vậy ? Đến tôi cũng cảm thấy khó hiểu. Họ đã từng từ chối dựng Mai Hắc Đế, sân khấu cải lương miền Bắc đã mua về dựng lại và đạt doanh thu khủng không thể tưởng. Cải lương bị từ chối dựng trên chính mảnh đất của cải lương, còn gì trớ trêu hơn nữa không?

Các nghệ sĩ trẻ là những người đang giữ ngọn lửa cải lương và có nhiệm vụ nâng niu bảo vệ ngọn lửa đó. Nhưng có vẻ như họ đã quên mất nghĩa vụ thiêng liêng của họ mà chạy theo hư vinh cả rồi.

Các nghệ sĩ trưởng bối họ đang cố gắng giữ lấy hơi thở của cải lương từng chút một, nhưng họ có thể giữ được bao lâu trong khi tuổi tác đang ngày một đè nặng trên vai họ. Họ có thể giữ 1 năm, 2 năm v…v nhưng chẳng thể nào giữ được cả đời. Họ phải gửi gắm mọi thứ vào lớp trẻ, nhưng lớp trẻ hiện nay càng khiến họ thất vọng mà không biết phải gửi cho ai nữa. Vậy ai là người có lỗi ? Là khán giả chúng tôi hay là các nghệ sĩ trẻ đây?

Một điều nữa là về sân khấu chuyên nghiệp cho cải lương. Không có được một sân khấu cải lương đàng hoàng đúng nghĩa, muốn diễn show gì cũng phải chạy diễn ở các sân khấu kịch, rạp Thủ Đô xập xệ v…v. Sân khấu về cải lương thì xây cho đã xong đắp chiếu đó, cả năm rồi chẳng diễn được vở gì. Tương lai cải lương sẽ đi về đâu?

Đừng nói với tôi rằng có làm được như họ không mà nói, xin lỗi nếu tôi có đủ điều kiện như họ thì tôi nghĩ tôi còn có thể làm tốt hơn thế nữa kìa.

Hiện nay gameshow truyền hình tràn lan, các nghệ sĩ trẻ cũng đua nhau lên truyền hình, họ chẳng thèm quan tâm ai nói gì, họ được lợi cho bản thân họ là đủ rồi.

Hãy nên hồi tưởng lại xem các bậc tiền bối đã làm gì đã cố gắng như thế nào để được một chỗ đứng vững vàng trong lòng khán giả cho đến tận giờ phút này. Điều này không hề thừa thải đâu. Nếu các anh chị ca diễn hay thì dù anh chị diễn ở một mái đình nhỏ một mảnh đất trống với một bức màn nhỏ cũng sẽ khiến khán giả đến ủng hộ các anh chị.

Tôi mong bài viết này của tôi có thể đến tay với những người trẻ trong giới nghệ thuật. Cái tài là cần thiết nhưng một chữ tâm bằng ba chữ tài, chữ tâm lớn lắm cần học và được giữ gìn cẩn thận để không bị những thứ khác làm mờ. Và hãy cố gắng đừng để cải lương phải chết trên chính cái nôi mà cải lương được sinh ra.

Nhà báo trẻ sân khấu cải lương – Hồng Ngư Nhi

P/s : Hình ảnh mang tính chất minh họa cho bài viết


5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *