Buồn vui đời nghệ sỹ: Nhọc nhằn níu giữ đam mê !

Buồn vui đời nghệ sỹ: Nhọc nhằn níu giữ đam mê !

Chưa phân loại
11/03/2019
536 Lượt xem

Câu chuyện nghệ sỹ Minh Hòa phải chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền nuôi gia đình và nuôi nghề làm dậy sóng mạng xã hội và truyền thông thời gian qua. Điều này một lần nữa nhắc lại tính hai mặt của cuộc đời người nghệ sỹ, rằng có lúc thăng hoa trong ánh hào quang, nhưng cũng có khi ê chề khi cánh màn nhung khép lại.

“Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”

Hiện tại nghệ sỹ Minh Hòa gắn chặt với bộ môn cải lương. Anh chuyên trị vai kép độc có vẻ ngoài mềm mại, nhưng nội tâm ác độc và nham hiểm. Với tuồng sử Việt Nam, gần đây Minh Hòa khiến khán giả ghét cay, ghét đắng trong vai Trần Ích Tắc. Trước kia, vai kép độc nổi tiếng của anh là Đồ Ngạn Giả trong vở “Những đứa con họ Triệu”.

Nghệ sỹ chạy xe ôm Minh Hòa (trái) vai Trần Ích Tắc cùng NSƯT Tú Sương vai vua Trần Nhân Tông.

Nghệ sỹ chạy xe ôm Minh Hòa (trái) vai Trần Ích Tắc cùng NSƯT Tú Sương vai vua Trần Nhân Tông.


Tài năng của Minh Hòa còn được công nhận qua huy chương bạc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, vai đại tá Kim Da Jung, vở “Cội nguồn”. Không chỉ gói gọn trong lĩnh vực sân khấu Minh Hòa còn tham gia hằng trăm phim truyền hình. Những vai diễn thuộc lĩnh vực phim ảnh của anh được khán giả nhớ nhiều gồm Chín Phận (Dưới cờ Đại Nghĩa), thầy giáo Thứ (Đất mặn), Tạ (Ngã rẽ)…
Dầu chưa bao giờ được lên vai chính nhưng tài năng diễn xuất của Minh Hòa luôn được đồng nghiệp nể trọng, khán giả thừa nhận. Nhờ vậy, anh luôn có cơ hội được làm nghề. Thế nhưng có một thực tế phũ phàng là trong phim truyền hình lẫn cải lương, chỉ có vai chính mới có thu nhập tốt, còn vai phụ ít phân cảnh tiền lương thấp. Với phim truyền hình, diễn viên phụ muốn sống được với nghề, phải tham gia thật nhiều phim. Buồn thay, vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt Nam suy yếu. Số lượng phim ít đã đành, việc trả lương diễn viên rất chậm trễ. Tình hình cải lương càng bi đát hơn. Với tuồng dài được dàn dựng chu đáo, mỗi năm chỉ có vài vở, diễn vài suất. Nghệ sỹ cải lương phải kiếm sống bằng hát sinh nhật, đám ma, đám giỗ, hay lễ kỳ yên. Thực tế hát dạng này cũng ưu tiên mời kép chính. Thế là kép phụ cũng đói.
Để có đủ miếng ăn lo cho gia đình, và nuôi nghề, nghệ sỹ Minh Hòa buộc phải làm nghề xe ôm công nghệ. Anh tâm sự: “Hai tháng đầu tiên tôi rất xấu hổ. Ra khỏi nhà, tôi vẫn ăn mặc bình thường. Đến địa điểm không còn ai biết tôi, tôi thay đồng phục xe ôm công nghệ. Nhưng rồi tình cờ khách đặt xe là người quen hoặc khán giả biết tôi, họ hỏi han tình cảnh gia đình, tôi xấu hổ vô cùng. Có lúc gặp khách hàng lạ, khó tánh, họ nói lời nặng nhẹ và chấm điểm thấp. Về nhà tôi buồn đến khóc vì không hiểu sao đời nghệ sỹ mà tủi nhục quá. Nhưng rồi nhìn lại gia đình, xét lại nếu không làm việc này làm sao tôi có miếng ăn để theo đuổi nghệ thuật. Thế là tôi chấp nhận đối mặt với tất cả. Tôi công khai công việc mới”.
Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ là một đại bang của lĩnh vực cải lương. Năm 1976, cậu thiếu niên Tiến Phước xin ông bầu Minh Tơ vào học việc. Năm 1978, từ vai lính câm, anh thăng lên vai kép độc. Lối diễn của Tiến Phước rất dữ dằn, đài từ gãy gọn, thủ pháp nhanh mạnh. Những yếu tố này giúp anh nhanh chóng có chỗ đứng trong lĩnh vực cải lương. Về sau, anh đầu quân về đoàn cải lương Sông Hậu 2. Thời điểm này, đoàn cải lương Sông Hậu 1 tập hợp lực lượng ngôi sao hùng hậu có nghệ sỹ Minh Cảnh, và nghệ sỹ Tấn Tài. Mạnh về tuồng cổ, nhưng về đoàn mới, anh hóa thân rất ngọt vào các nhân vật của tuồng xã hội hiện đại. Năm 1985, Tiến Phước đoạt huy chương bạc liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc, vai ông Tư Ròm, vở “Trong cơn giông”.
Nghệ sỹ thợ hồ Tiến Phước (bìa phải) vai Phạm Hạp cùng với ca sỹ Phương Thanh, ca sỹ Quốc Đại trong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga của đạo diễn NSƯT Hoa Hạ

Nghệ sỹ thợ hồ Tiến Phước (bìa phải) vai Phạm Hạp cùng với ca sỹ Phương Thanh, ca sỹ Quốc Đại trong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga của đạo diễn NSƯT Hoa Hạ


Đến khoảng năm 1990, Tiến Phước trở về đoàn Minh Tơ. Lúc này cải lương bắt đầu suy yếu, suất diễn ít, lương nghệ sỹ quá thấp. Để tiếp tục được sống với nghề anh phải đi làm phụ hồ. Thời gian đầu vào nghề, vì cái tính nghệ sỹ lãng đãng không theo kịp tiến độ anh em, anh bị chửi rủa nặng lời. Lòng tự trọng trổi dậy, anh tập trung quan sát và thăng tiến một lèo lên thợ cả. Từ đó, ngày bình thường anh đi theo công trình, khi nào đoàn Minh Tơ được mời diễn, anh theo diễn. Điều này đồng nghĩa, khi anh đi diễn thì anh bỏ làm. Việc anh nghỉ làm đột xuất khiến nhiều chủ thầu bực tức đuổi việc. Thế là sau khi được hát xong, anh lại lủ thủi xách cái bay thợ xây đi xin việc mới. Đến giờ này, cuộc sống anh vẫn cứ bắp bênh giữa việc được hát, và công việc mưu sinh tay trái ấy.

Khổ nhưng quyết giữ nghề

Ca sỹ diễn viên Tiết Duy Hòa trở thành ca sỹ của Trung tâm văn hóa thị xã Châu Đốc năm 1994. Vì gia cảnh khó khăn, anh phải đạp xe đạp lọc cọc đi hát từ nhà đến điểm diễn xa hàng chục cây số. Về sau, anh đầu quân về Đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh An Giang năm 1999. Lúc này, tiền lương của anh chỉ 350.000 đồng. Để có cái ăn đủ sức giữ lửa nghề, Duy Hòa đi hát đám cưới và hát lôtô tận Cà Mau và Tiền Giang. Phương tiện đi lại lúc đó là chiếc xe wave cà tàng. Có hôm hát xong phải chạy về Long Xuyên trong đêm hầu không lỡ việc của đoàn.

Tiết Duy Hòa trong một tiểu phẩm kịch trong chương trình Kịch cùng bolero

Tiết Duy Hòa trong một tiểu phẩm kịch trong chương trình Kịch cùng bolero


Năm 2010, Tiết Duy Hòa lên Sài Gòn tham gia Liên hoan sân khấu hài toàn thành do nghệ sỹ Phước Sang phối hợp Nhà văn hóa Thanh niên tổ chức. Anh đoạt giải nhất diễn viên và biên kịch, và một giải bạc diễn viên. Cuộc thi đã tạo duyên cho Duy Hòa kết thân với cố danh hài Khánh Nam. Năm 2012, Tiết Duy Hòa quay lại Sài Gòn học hệ cao đẳng Trường đại học sân khấu & điện ảnh TP.HCM. Lúc này, để có tiền ăn học Hòa làm bồi bàn cafe với mức lương 10.000 đồng/1 giờ. Nghe được tin này, nghệ sỹ Khánh Nam kêu Duy Hòa tham gia nhóm kịch hài của anh. Nhờ tiền đi diễn hài mà Hòa trang trải đủ chi phí đến khi học xong.
Nghệ sỹ Khánh Nam qua đời, Duy Hòa quay về Long Xuyên thành lập sân khấu kịch Đời cười. Đây là sân khấu kịch chuyên nghiệp đầu tiên tại miền Tây. Duy Hòa đã bán miếng đất được nhà nước cấp, bán chiếc xe gắn máy để làm vốn đầu tư. Kịch Đời cười thu hút được khán giả, gây tiếng vang đặc biệt. Nhưng vì nhiều khó khăn khách quan, sân khấu này đóng cửa, Duy Hòa trắng tay. Vậy mà anh vẫn không nguôi đam mê nghệ thuật. Duy Hòa trở về Sài Gòn tiếp tục diễn kịch cafe, đi hát quán bar, tham gia vai nhỏ trong các phim truyền hình, và diễn tiểu phẩm gameshow. Trong lần diễn cho chương trình Kịch cùng bolero, Duy Hòa đóng vai ông lão và hát bài “Thói đời”. Lối diễn xuất chân thật và giọng hát trữ tình của Duy Hòa đã gây ấn tượng mạnh với giám khảo – đạo diễn – NSƯT Vũ Thành Vinh. Anh đã mời Duy Hòa tham gia cuộc thi Tình boleo 2019 phát sóng trên truyền hình Vĩnh Long.
25 năm cho một đam mê, Duy Hòa được nhiều khán giả biết đến nhưng vẫn chưa có chỗ đứng thật sự vững chắc trong ngôi làng nghệ thuật Việt. Nhưng Duy Hòa chia sẻ: “Tôi xem cuộc thi Tình bolero 2019 là một bước ngoặt cuộc đời mình. Nếu tôi được vô sâu vòng trong, được bầu show mời hát nhiều, tôi vẫn gắn bó với đất Sài Gòn. Nếu tôi thất bại, tôi sẽ về quê tìm kế sinh nhai, nhưng vẫn tiếp tục đời nghệ sỹ tỉnh lẻ”.
Đồng cảm với Duy Hòa, nghệ sỹ Tiến Phước và Minh Hòa dù đang sống trong cảnh thiếu hụt về kinh tế, vẫn phải bươn chải bằng nghề tay trái để tiếp tục được hát và được diễn. Họ khẳng định rằng nếu được cơ hội làm lại cuộc đời, họ vẫn dấn thân cho nghệ thuật.

NGUYỄN HUY


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *