Cải lương tuồng cổ nên khai thác đề tài lịch sử Việt Nam

Cải lương tuồng cổ nên khai thác đề tài lịch sử Việt Nam

27/09/2017
667 Lượt xem

(CLV) – Hiện nay, khâu đào tạo tác giả và diễn viên cải lương tuồng cổ chưa được đầu tư và đánh giá đúng mức, dẫn đến việc xuống cấp vì chạy theo thị hiếu

Thập niên 1960, sân khấu Sài Gòn – Chợ Lớn xuất hiện những gánh hát Quảng Đông, Triều Châu với nội dung tuồng tích phong phú, đã thu hút hàng ngàn khán giả mỗi suất. Từ đó, hình thức cải lương pha Hồ Quảng ra đời và phát triển. Đến năm 1975, ba nghệ nhân Minh Tơ, Thành Tôn, Khánh Hồng đã thay đổi cụm từ cải lương Hồ Quảng thành cải lương tuồng cổ (CLTC).

NS Lê Thanh Thảo - vai Lý Đạo Thành, NSƯT Phượng Loan - vai Ỷ Lan, NS Thanh Loan vai Thượng Dương hoàng hậu (trích đoạn "Câu thơ yên ngựa)

NS Lê Thanh Thảo – vai Lý Đạo Thành, NSƯT Phượng Loan – vai Ỷ Lan, NS Thanh Loan vai Thượng Dương hoàng hậu (trích đoạn “Câu thơ yên ngựa)

Theo NSƯT Thanh Tòng, đỉnh cao của sân khấu CLTC từ sau năm 1975 là các vở: Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Bức ngôn đồ Đại Việt, Anh hùng bán than, Tô Hiến Thành xử án… Những vở này được đầu tư công phu, bám chặt đề tài lịch sử Việt Nam, thể hiện nét mới từ âm nhạc, cảnh trí, vũ đạo đến diễn xuất. Nhạc sĩ Minh Tâm là người có công rất lớn khi đưa bài bản cải lương vào tuồng cổ, dứt bỏ hẳn sự vay mượn bài bản Hồ Quảng. Chính vì định hình được phong cách riêng nên bộ môn này đã được Hội Sân khấu và Sở VHTT TPHCM tạo điều kiện phát triển mạnh vào thập niên 1980. Nhưng đáng tiếc, thời gian sau này CLTC đã biến dạng vì chạy theo thị hiếu. Một số đoàn tái dựng tuồng tích dựa theo phim Đài Loan, Hồng Kông đã làm lệch hướng phát triển của CLTC.

Khi UBND TPHCM công bố Ban Chỉ đạo nâng cấp nghệ thuật cải lương, nhiều nghệ sĩ lo ngại CLTC bị… bỏ quên. Trong khi CLTC đã từng đồng hành với cải lương chính thống, chưa kể đây là loại hình nghệ thuật có khả năng truyền bá hiệu quả nhất về lịch sử Việt Nam. Bằng chứng là trong thập niên 1980, những nhân vật anh hùng như: Nguyễn Huệ, Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Địa Lô, Nguyễn Trung Trực, Lê Lợi, Nguyễn Trãi… đã được CLTC tái hiện hào hùng và đi vào lòng công chúng.

NSƯT Thanh Tuấn và NSND Bạch Tuyết trong vở "Trăng thề vườn Thúy" của tác giả Quy Sắc

NSƯT Thanh Tuấn và NSND Bạch Tuyết trong vở “Trăng thề vườn Thúy” của tác giả Quy Sắc

Về khâu kịch bản, CLTC đang thiếu chất liệu để sáng tác. Vừa qua, các đoàn đặt doanh thu lên hàng đầu nên cứ đặt hàng các kịch bản viết theo phim bộ Hồng Kông, Trung Quốc. Khâu âm nhạc lạm dụng quá nhiều bài bản Hồ Quảng, lại dùng đàn điện tử khuếch đại âm thanh lấn áp lời ca và phong cách tự sự độc đáo của CLTC. Trang phục thì lòe loẹt, cảnh trí không tuân thủ quy luật. Có vở nói về đời nhà Lý nhưng cảnh cung đình thì trang trí theo thời nhà Trần. Đáng lo nhất là khâu diễn xuất: Thế hệ diễn viên trẻ của bộ môn này ngày càng bị bào mòn chất sáng tạo khi cố tình bắt chước, chưa chứng tỏ được bản lĩnh. Các diễn viên tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM khi diễn CLTC rất lúng túng, bởi bộ môn này chỉ được xem là… ngoại khóa trong giáo trình dạy và học.

Cần sự đóng góp của nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi nghề

Hội Sân khấu TPHCM rất quan tâm đến việc nâng cấp CLTC trong giai đoạn xuống dốc như hiện nay. Trước mắt, phải thành lập Hội đồng Tư vấn cùng với Sở VHTT lập kế hoạch nâng cấp theo từng bước. Trong đó, rất cần sự đóng góp của các nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi nghề và đội ngũ đạo diễn, tác giả để có sự định hướng cụ thể, đồng bộ trong việc nâng cấp. Theo tôi, cần nâng cấp khâu âm nhạc vì lâu nay CLTC bị ảnh hưởng quá nhiều âm nhạc Hồ Quảng. Bên cạnh đó, khuyến khích viết kịch bản về đề tài lịch sử dân tộc.

NSƯT Ca Lê Hồng – Phó Tổng Thư ký Hội Sân khấu TPHCM

BÀI VÀ ẢNH: Thanh Hiệp


5/5 - (2 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *