Cô Bảy Phùng Há – người cống hiến trọn đời cho sân khấu cải lương

Cô Bảy Phùng Há – người cống hiến trọn đời cho sân khấu cải lương

Chưa phân loại
01/06/2017
684 Lượt xem

Đi theo sân khấu cải lương từ năm 13 tuổi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, với hơn 86 năm cống hiến cho nghệ thuật, Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há được xem là vị tổ cuối cùng của nghệ thuật cải lương Nam bộ.

Cô Bảy Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh ngày 30/4/1911 tại làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, Mỹ Tho. Cha là ông Trương Nhân Trưởng, người làng Phú Lạng, huyện Hạc Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Mẹ là bà Lê Thị Mai, người làng Điều Hòa, Mỹ Tho. Bà là con thứ 6 trong gia đình. Do mang một nửa dòng máu Hoa kiều nên tên bà được đọc theo âm tiếng Quảng Đông thành Phùng Há, sau này khi đi hát bà lấy làm nghệ danh. Những người quen biết thường gọi bà một cách thân thương là cô Bảy Phùng Há.

Lúc bà còn nhỏ, gia đình cũng thuộc loại khá giả nhưng đến năm bà lên 9 tuổi thì cha bà qua đời sau một cơn bạo bệnh. Theo tâm nguyện của người cha, gia đình bà đưa ông về quê nhà ở Hạc Sơn chôn cất. Khi cả nhà bà trở lại Việt Nam thì gia sản đã bị một người họ hàng chiếm đoạt hết. Từ đó gia đình bà lâm vào cảnh khốn cùng. Lúc nhỏ, bà được đi học tiểu học một thời gian ngắn, sau vì hoàn cảnh gia đình, bà phải đi làm phụ giúp mẹ nuôi gia đình.

Cô Bảy Phùng Há thời trẻ.

Cô Bảy Phùng Há thời trẻ.

Vùng đất Mỹ Tho những năm 1920 – 1930, phong trào đờn ca tài tử nổi lên khắp nơi. Cô bé Phụng Hảo ngày đó mới hơn 10 tuổi đã mê mẩn vì những tiếng đờn, lời ca của các tài tử trong làng. Ban ngày phải vất vả theo mẹ đi bán trái cây kiếm sống nhưng tối nào bà cũng xin mẹ đi nghe đờn ca tài tử. Mẹ con bà bán trái cây cả ngày cũng không đủ sống nên phải xin vào làm trong lò gạch của ông Bang Hoạch.

Có lẽ những buồn đau, gian khổ phải nếm trải từ tuổi thơ nên cô bé Phụng Hảo mới 13 tuổi, chưa được học hành là bao, không biết nhịp, điệu của bài hát là gì lại có thể yêu thích và hát rất hay nhiều bản cải lương thời đó. Hàng ngày, vào làm công việc in gạch, bà vừa hát. Giọng hát trong trẻo của bà khiến mọi người cùng làm việc trong lò gạch rất thích thú. Họ còn sẵn sàng làm thay công việc để Phùng Há hát cho họ nghe.

Tiếng đồn về một giọng hát hay đến tai ông bầu Hai Cu, chủ gánh hát Tái Đồng Ban. Ông tìm đến nhà, đề nghị gia đình cho bà theo gánh hát. Ông còn ứng trước cho gia đình bà một số tiền lớn để lo thuốc men cho bà ngoại của bà đang bị bệnh và phát lương cho bà 8 cắc một suất diễn. Vậy là từ năm 1924, bà chính thức theo nghề hát, lúc mới 13 tuổi.

Về gánh Tái Đồng Ban, bà được nhạc sĩ kiêm soạn giả Tư Chơi dạy ca, nghệ sĩ Năm Châu và thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh dạy diễn xuất. Nhờ có năng khiếu thiên phú, bà học rất nhanh, lại xinh đẹp, sáng sân khấu và có giọng hát hay nên vai diễn đầu tiên đánh dấu cuộc đời nghệ thuật của bà trên sân khấu là vai Giả Thị trong tuồng Hoàng Phi Hổ quy Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh, bà đã được khán giả rất hoan nghênh. Tiếp sau đó là các vở diễn Thôi Tử thí Tề quân, Mổ tim Tỷ Can, Anh hùng náo tam môn giai… rồi tới các vở Khúc oan vô lượng, Tội của ai… bà đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu càng khẳng định tên tuổi của bà trong lòng công chúng yêu thích cải lương.

Nghệ sĩ Phùng Há vai Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình.

Nghệ sĩ Phùng Há vai Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình.

Năm 1926, bà cùng với nghệ sĩ Năm Châu, Tư Chơi, Ba Du rời Tái Đồng Ban, gia nhập vào gánh hát Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa. Cũng trong năm này, bà kết hôn với nghệ sĩ Tư Chơi. Được vài năm, cuộc hôn nhân của bà tan vỡ, lúc đó bà mới 18 tuổi.

Năm 1929, bà kết hôn với Bạch công tử Lê Công Phước, người nổi tiếng giàu có và ăn chơi khét tiếng đất Nam Kỳ. Ông đã lập gánh hát Huỳnh Kỳ cho Phùng Há làm bầu gánh. Huỳnh Kỳ lúc đó là một gánh hát có quy mô lớn nhất Nam Kỳ lục tỉnh, quy tụ rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ như Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu… Tuồng hát ăn khách nhất của Huỳnh Kỳ lúc đó là vở Giọt máu chung tình do Năm Thiên thủ vai Võ Đông Sơ và Phùng Há vai Bạch Thu Hà. Gánh Huỳnh Kỳ không chỉ thu hút được các khán giả nơi miền quê lục tỉnh mà còn chinh phục được cả khán giả Sài Gòn. Hồi đó, gánh đi diễn bất cứ nơi đâu cũng đều chật kín khán giả. Trước đêm diễn, gánh hát thường chỉ bán đến 3 giờ chiều là hết vé nên nhiều người phải mua vé từ hôm trước. Đến năm 1930, tình hình chính sự biến động nhiều nơi, kinh tế khó khăn, sang năm sau thì gánh Huỳnh Kỳ tan rã. Mấy năm sau bà và Bạch công tử cũng ly hôn.

Đến năm 1936, bà được gánh Trần Đắc ký hợp đồng mời về làm đào chánh, đóng cặp với người bạn diễn cũ Năm Châu. Chính trên sân khấu này tên tuổi của bà càng sáng chói, để lại nhiều vai diễn sống mãi trong lòng công chúng.

Năm 1940, Phùng Há kết hôn lần thứ ba với ông Nguyễn Hữu Bữu, một kỹ sư, đại điền chủ lớn ở Trà Vinh. Ông đã lập cho bà đoàn Phụng Hảo. Khi làm bầu gánh Phụng Hảo, bà đã mời nhiều nghệ sĩ bậc thầy từ Trung Quốc sang giảng dạy cho bà và các đào kép trong đoàn những kỹ thuật hát, vũ đạo theo đúng hí khúc Trung Quốc. Qua đó bà đã tiết chế âm nhạc, chế tạo động tác, vũ đạo cho phù hợp với sân khấu cải lương Việt Nam. Sau này bà cũng đã đem những kỹ thuật sân khấu này truyền dạy lại cho lớp nghệ sĩ cải lương trẻ. Có thể nói bà là người đã đặt nền móng cho nghệ thuật hát cải lương, thể loại tuồng dã sử trong những thập niên 50, 60 của thế kỷ XX.

Nghệ sĩ Phùng Há trong vở Tô Ánh Nguyệt, năm 1958.

Nghệ sĩ Phùng Há trong vở Tô Ánh Nguyệt, năm 1958.

Ngoài ra, bà còn tham gia giảng dạy tại khoa Diễn viên cải lương, trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn từ năm 1963. Học trò của bà sau này đều là các nghệ sĩ ưu tú như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Thanh Thanh Hoa…

Sau ngày miền Nam giải phóng, Phùng Há cùng NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Ba Vân làm cố vấn cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và tham gia giảng dạy, đào tạo các nghệ sĩ thế hệ sau như Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tấn Giao, Tô Châu, Thanh Lựu, Mỹ Hằng…

Sau khi tham gia sáng lập Hội Nghệ sĩ tương tế năm 1957, sang năm sau, bà đề xuất mua đất, xây dựng nên Chùa Nghệ sĩ tại Sài Gòn trên mảnh đất hơn 6.000 mét vuông để làm nơi yên nghỉ cho những nghệ sĩ cải lương. Bà cũng tự bỏ tiền để xây dựng bia mộ cho các nghệ sĩ lão thành và cấp dưỡng cho vài nghệ sĩ nghèo. Bà còn vận động xây dựng khu dưỡng lão cho những nghệ sĩ nghèo, cô đơn, không nơi nương tựa sau khi đã cống hiến cả cuộc đời dưới ánh đèn sân khấu. Sau nhiều tâm sức của anh chị em nghệ sĩ, nhà dưỡng lão cho nghệ sĩ đã được khánh thành ngày 3/7/1978 tại đường Âu Dương Lân, phường 3, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.

Phần mộ của Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há tại chùa Nghệ sĩ.

Phần mộ của Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há tại chùa Nghệ sĩ.

Gần 100 tuổi đời, hơn 86 năm công hiến cho nghệ thuật, nghệ sĩ Phùng Há được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân. Bà mất ngày 5/7/2009, thọ 99 tuổi. Ngôi mộ của bà được đặt trong nghĩa trang nghệ sĩ, cạnh những người đã cùng bà trải qua bao thăng trầm của sân khấu cải lương.

Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử/VnExpress


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *