Cuộc đời và sự nghiệp của NSND Thanh Tòng

Cuộc đời và sự nghiệp của NSND Thanh Tòng

22/09/2016
700 Lượt xem

(CLV) – NSƯT Quế Trân đau đớn báo tin thân sinh của cô, NSND Thanh Tòng đã trút hơi thở cuối cùng lúc 10 giờ ngày 22-9 tại nhà riêng, do bệnh tim mạch, hưởng thọ 68 tuổi.

NSND Thanh Tòng và NSƯT Quế Trân

NSND Thanh Tòng và NSƯT Quế Trân

NSND Thanh Tòng tên thật là Nguyễn Thanh Tòng sinh năm 1948 tại Sài Gòn. Theo nghề hát từ năm 3 tuổi. Đầu tiên, học hát bội đóng vai con của Hoàng Phi Hổ, năm lên 6 tuổi đã diễn vở “San Hậu”, sau đó học ca diễn cải lương, học tân nhạc, học múa vũ đạo. Năm 10 tuổi đã diễn vai Lữ Bố trong đoàn Đồng ấu Minh Tơ cùng với các nghệ sĩ: Xuân Yến, Thành Phượng, Kim Hoàng (tức là nghệ sĩ Bo Bo Hoàng ngày nay). Từ đồng ấu Minh Tơ ông đã nhanh chóng khẳng định tài nghệ, nhất là được sự dìu dắt, nâng đỡ của cha là nghệ sĩ Minh Tơ, của các cậu là nghệ sĩ: Khánh Hồng, Đức Phú…và người dượng và dì ruột là NSND Thành Tôn, NS Huỳnh Mai (cha mẹ của NSƯT Thành Lộc).

Năm 11 tuổi, ông được các ký giả Sài Gòn thời đó như: Văn Thà, Tình Thiệt, Phong Vân, Hoài Ngọc… phong cho danh hiệu “thần đồng sân khấu”, sau khi xem ông diễn những vai lão, cụ thể như vai: Trịnh Ân, Bao Công, Quan Công… rồi đóng cả vai giả gái như vai Điêu Thuyền, Hồ Nguyệt Cô…

NSND Thanh Tòng là người con, là đệ tử chân truyền của nghệ sĩ Minh Tơ. Cha của ông đã cho ông học và diễn tất cả các loại vai: văn, võ, trung thần – nịnh thần, lão mùi…Kể cả các tính cách độc, mùi và vai giả nữ với đủ các điệu bộ vũ đạo của: đào văn, đào võ…Có thể nói đến năm 17 tuổi, NSND Thanh Tòng đã là nghệ sĩ đa năng, toàn diện, thay cha làm luôn công tác quản lý đoàn hát.

Kim Cương, Lệ Thủy và ký ức về 30-4 - ảnh 7

NSND Thanh Tòng và NSƯT Quế Trân (ảnh Thanh Hiệp)

Ngoài giờ học chữ, ông còn được nghệ sĩ Minh Tơ dạy cho cách dàn dựng, cách viết tuồng, tuy được học nhiều như thế nhưng theo NSND Thanh Tòng, ông vẫn chưa học được hết nghề của người cha tài hoa, bởi ngoài lãnh vực biểu diễn, sáng tác dàn dựng, nghệ sĩ Minh Tơ còn biết vẽ cảnh, đánh đàn, đánh trống… Bất cứ nghề nào có liên quan đến sân khấu là ông điều học hỏi am tường. Ngoài học nghề truyền thụ từ người cha tài năng của mình, NSND Thanh Tòng còn may mắn được các nghệ sĩ Khánh Hồng, Đức Phú, Thành Tôn, Dì Năm, Bà Năm Đồ Hoàng Bá, Hoàng Nuôi, Sáu Trọng, Xuân Liễu, các nhạc sĩ: Sáu Từng, Năm Bửu, Năm Cơ, Văn Vĩ… tận tình truyền nghề. Giới nghệ sĩ thời đó ví gia đình bầu Thắng – Minh Tơ như dòng dõi “Dương Gia Tướng”.

Năm 20 tuổi, ông đã dàn dựng vở “Bao Công vô lò gạch”, “Bao Công tra án Quách Hòe” trên sân khấu Khánh Hồng – Minh Tơ như một khởi nghiệp cho nghề đạo diễn sau này.

Ông là người có công trong việc truyền nghề cho thế hệ nghệ sĩ trẻ làm quen và yêu thích bộ môn sân khấu cải lương tuồng cổ. Với vai trò ban giám khảo nhiều năm liền của giải thưởng HCV Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức, đồng thời ông còn là ủy viên Ban chấp hành Hội Sân khấu TPHCM nhiều năm liền, ông đã bổ sung nghề nghiệp cho nhiều thế hệ diễn viên, giúp họ hiểu và áp dụng đúng khả năng ca diễn của nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Những tác phẩm NSND Thanh Tòng sáng tác và dàn dựng đều ca ngợi tinh thần yêu nước, ca ngợi anh hùng dân tộc trong lịch sử, nổi bật là các tác phẩm được xem là chuẩn mực của cải lương tuồng cổ: “Câu thơ yên ngựa”, “Tô Hiến Thành xử án”, “Má hồng soi kiếm bạc”, “Ngọn lửa Thăng Long”…

Ông được Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND vào năm 2007 và là nghệ sĩ nhiều năm đoạt giải Mai Vàng cả vai trò diễn viên và đạo diễn.

Những năm gần đây sức khỏe của ông không được tốt. Bịnh tim mạch, huyết áp, thấp khớp luôn hành hạ ông.

Tang lễ của NSND Thanh Tòng diễn ra tại nhà riêng (12 đường 26 Khu dân cư Him Lam Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 21giờ ngày 22-9.Lễ động quan lúc 6 giờ 15 phút ngày 24-9, an táng tại nghĩa trang hoa viên Gò Đen.


5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *