Danh ca Minh Cảnh: "Không niềm vui nào bằng về lại quê hương"

Danh ca Minh Cảnh: "Không niềm vui nào bằng về lại quê hương"

Chưa phân loại
01/06/2018
519 Lượt xem

5 giờ 30 phút ngày 30-5, danh ca Minh Cảnh đã đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất sau 13 năm xa xứ. Ông xúc động khi thấy đông khán giả và nghệ sĩ chào đón mình.
“Tôi thật sự hạnh phúc vì là người nghệ sĩ ở tuổi 81 mà vẫn còn được công chúng nhớ đến, dành cho nhiều tình cảm và có anh em nghệ sĩ gọi bằng “Anh Hai” – NS Minh Cảnh xúc động.
Đối với ông, không niềm vui nào bằng được về với quê hương, sống trong vòng tay yêu thương của số đông khán giả mộ điệu cải lương và bài vọng cổ.

Nghệ sĩ ưu tú Minh Minh Tâm và danh ca Minh Cảnh

Nghệ sĩ ưu tú Minh Minh Tâm và danh ca Minh Cảnh


“Tôi về nước đúng sự kiện 100 năm sân khấu cải lương, đời người có mấy ai được diễm phúc này, nhất là người nghệ sĩ được đứng trong thời khắc của không gian tròn một thế kỷ ngành nghệ thuật mà mình tôn kính. Tôi mong sớm được gặp lại bạn bè đồng nghiệp, khán thính giả thân thương, để dốc hết sức khỏe còn lại ca thật nhiều bài vọng cổ tặng những khán giả tri âm. Con chim xa xứ như tôi thèm được bay về tổ ấm” – NS Minh Cảnh tâm sự.
Các nghệ sĩ đồng nghiệp chào đón danh ca Minh Cảnh

Các nghệ sĩ đồng nghiệp chào đón danh ca Minh Cảnh


Danh ca Minh Cảnh được biết đến là một trong số những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của vọng cổ. Chính ông là người sáng tạo ra trường phái ca hơi dài khi vô vọng cổ với nét đặc trưng không lẫn với bất cứ một nghệ sĩ nào, đó là ca rõ chữ, chắc nhịp. Ông đặt nền tảng cho trường phái biểu diễn bài vọng cổ theo cách của riêng mình qua hàng ngàn bài ca cổ mà nổi tiếng nhất là “Em bé đánh giày”, “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà”, “Tu là cội phúc”, “Cô gái bán sầu riêng”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Sầu vương ý nhạc”, “Mưa trên phố Huế”… Phần lớn đều là của tác giả NSND Viễn Châu.
Ông đã có nhiều đệ tử thọ giáo, học cách ca và lấy nghệ danh dính liền với tên tuổi của “sư phụ” như: Minh Minh Cảnh, Minh Cảnh Em, Minh Minh Tâm, Minh Tiểu Cảnh, Minh Long Cảnh, Tuấn Cảnh, Minh Cảnh Hưng, Cảnh Minh, Cảnh Thăng, Cảnh Hiếu… và ở các cuộc thi tìm kiếm tài năng sân khấu cải lương và bài vọng cổ hằng năm, hàng trăm thí sinh trẻ cũng đã thể hiện bài ca cổ theo trường phái của ông.
“Đó là niềm tự hào lớn đối với cuộc đời nghệ sĩ và sự nghiệp nghệ thuật mà ơn trên đã trao cho tôi” – NS Minh Cảnh nói.

Thanh Hiệp (ảnh do NSCC)


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *