“Fan cuồng cải lương” xót thương đời nghệ sĩ

“Fan cuồng cải lương” xót thương đời nghệ sĩ

09/12/2015
698 Lượt xem

(CLV) – Những nghệ sĩ cải lương đang phải vật lộn mưu sinh, đổi qua hát tân nhạc, tấu hài kiếm sống, nhưng họ vẫn hát với tất cả lòng yêu nghề, kính nghiệp và hóa thân vào nhân vật.

Cách đây khoảng một tháng, tôi tình cờ đọc được một bài viết trên một diễn đàn cho rằng cải lương đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” của mình và bây giờ nên xây dựng một bảo tàng cho môn nghệ thuật này. Điều này khiến tôi rất buồn.

Tôi được nghe cải lương từ lúc còn là đứa bé trong bụng mẹ. Nhà ông bà ngoại là một xóm nhỏ yên bình, nơi mà mọi thời khắc trong ngày người ta đều có thể nghe thấy tiếng cải lương phát ra từ radio hay băng cassette. Có lẽ vì thế mà từ khi còn là một đứa nhỏ tôi đã say mê môn nghệ thuật này như vậy.

Mỗi khi có những vở diễn mới, tôi háo hức chờ đợi. Tuy nhiên thế hệ của tôi, những đứa trẻ lớn lên ở thập niên 90 đã phải đau lòng khi chứng kiến thời kỳ hoàng kim của cải lương đang dần đi xuống trước sự phát triển của các loại hình nghệ thuật khác.

Đến bây giờ, tôi vẫn yêu mến môn nghệ thuật dân tộc này nhưng theo một cách khác. Tôi chú ý nhiều hơn đến điệu hát, lời ca và ý nghĩa của từng vở diễn. Sau mỗi vở diễn tôi luôn rút ra được những bài học về đạo lý làm người thật nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: thiện cuối cùng sẽ thắng ác, con người rồi sẽ quay về bản chất lương thiện của mình.

Đã có một thời gian tôi không thể theo dõi cải lương thường xuyên do phải tập trung vào học và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Rồi tình cờ tôi biết được trên một kênh truyền hình có chương trình dành cho cải lương có tên “Sân khấu về khuya”.

Đúng như tựa đề, chương trình được phát vào lúc nửa đêm, gây nhiều khó khăn cho những người hâm mộ cải lương khi theo dõi. Phải chi trong khung giờ vàng cải lương được dành cho một khoảng thời gian thì hay biết mấy. Cho dù đó là khung giờ mà bất kỳ chương trình nào cũng muốn được lên sóng, nhưng chẳng lẽ bộ môn nghệ thuật dân tộc lại không xứng đáng được ưu ái và có thể đem ra đong đếm?

Từ lòng yêu mến, tôi đi sâu vào tìm hiểu các bài cải lương cũng như cuộc sống của các nghệ sĩ cùng các nhân viên hậu đài. Chỉ là cảm nhận cá nhân, nhưng tôi thấy những nghệ sĩ cải lương thật sự là những người cao quý.

Những nghệ sĩ cải lương, họ đã phải hy sinh nhiều thứ để rồi nhận lại những gì chưa xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Tôi thật sự xúc động khi nghe nghệ sĩ nhân dân Thanh Tòng kể về tuổi thơ của mình đã phải học tập, lao động vất vả, chịu đòn roi nghiêm khắc của cha (cố nghệ sĩ Minh Tơ) như thế nào để có thể hóa thân vào các nhân vật hay và sống động đến như vậy.

Nếu ca sĩ chỉ hát và vũ đạo trên sân khấu, diễn viên có lời thoại và diễn tả cảm xúc của mình khi quay hình thì nghệ sĩ cải lương, đặc biệt bên hồ quảng họ vừa phải ca đúng cao độ, nhịp nhàng và vừa diễn tả sự đau khổ, buồn vui của các nhân vật trên sân khấu. Họ còn phải học thuộc các lời thoại, lời hát cùng với vũ đạo sân khấu phức tạp.

Vậy mà các nghệ sĩ cải lương vẫn phải bươn chải làm thêm nghề tay trái, hát tân nhạc, tấu hài để trang trải cuộc sống. Nhưng những nghệ sĩ cải lương vẫn sống, vẫn hát với tất cả lòng yêu nghề kính nghiệp của mình và tiếp tục hóa thân vào những vai diễn trên sân khấu không kể là lớn hay nhỏ.

Nói đến đây thì không thể không kể đến các nhân viên hậu đài, âm thanh, ánh sáng. So với các nghệ sĩ, cuộc sống của họ càng khó khăn hơn nhiều khi số đêm diễn ngày càng ít. Do phải phiêu bạt đó đây lưu diễn, càng khiến cho cuộc sống của họ bấp bênh hơn.

Nói giới trẻ thờ ơ, quay lưng với cải lương rồi đổ lỗi hết cho họ thì thật ra cũng chưa được chính xác. Họ không có điều kiện tìm hiểu môn nghệ thuật này thì làm sao có thể yêu mến nó được. Trong các chương trình dạy nhạc lý ở trường từ tiểu học đến trung học, tôi thấy bộ môn nghệ thuật cải lương hầu như chưa một lần được nhắc đến hay giảng dạy một cách nghiêm túc.

Trước đây, có một số bộ phận cho rằng người mộ điệu cải lương thường là người ít học, mặc đồ “màu mè, sến súa”. Nghe những lời nhận xét đó mà thấy cay nơi sống mũi. Cải lương luôn đồng hành cùng lịch sử dân tộc, không chỉ của người dân miền Nam mà còn của cả nước.

Cho dù là người chỉ học hết tiểu học do không có điều kiện học tiếp, người buôn gánh bán bưng, người trẻ tuổi có học thức hay là người lớn tuổi… chỉ cần có một tâm hồn sâu sắc, tìm thấy sự đồng điệu thì đều có thể xem cải lương là người bạn tri âm của mình.

Nếu muốn cải lương phát triển bền vững thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện cho nghệ sĩ và nhân viên hậu đài để họ sống được với nghề. Bởi cải lương là môn nghệ thuật dân tộc, những ai đang cố gắng duy trì nó đều là những người đáng trân trọng.

Tôi mơ ước một ngày không xa, cải lương có thể tìm được lại thời hoàng kim và trường tồn cùng dân tộc. Tôi sẽ luôn ngẩng cao đầu mà nói với mọi người rằng mình là một “fan cuồng” của cải lương.


5/5 - (3 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *