Giải cứu sân khấu truyền thống: Những tiếng lòng… trên giấy

Giải cứu sân khấu truyền thống: Những tiếng lòng… trên giấy

Chưa phân loại
06/10/2019
4110 Lượt xem

Sau loạt hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, các hội thảo, tọa đàm về sân khấu nói chung, cải lương nói riêng, đã ghi nhận một số giải pháp cho công tác bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của nghệ thuật sân khấu cải lương. Thế nhưng, đến nay đó vẫn chỉ là tiếng lòng… trên giấy, chưa có dự án nào mang tầm chiến lược được phát động và gấp rút thực hiện.

Nhiều nghịch lý, bất cập

Nhìn vào cơ sở vật chất dành cho sân khấu cải lương, ngoại trừ điểm diễn sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang – rạp Hưng Đạo hoạt động cầm chừng, một số đơn vị nghệ thuật xã hội hóa (XHH) thuê rạp biểu diễn thì chỉ còn mỗi Nhà hát Bến Thành được các đơn vị XHH chọn vì cơ sở vật chất khá ổn. Tuy nhiên, giá thuê ở đây lại khá cao (từ 60 – 80 triệu đồng/suất). Các tác phẩm sân khấu XHH vẫn gặp nhiều khó khăn, chương trình đầu tư vài trăm triệu hay vài tỷ đồng khả năng thua lỗ rất cao. Các vở cải lương mới thiếu sức cuốn hút, thường là đầu tư không tới, lại ngày càng kén người xem. Chương trình phục vụ vùng sâu vùng xa cũng khó níu chân khán giả.

Giải cứu sân khấu truyền thống: Những tiếng lòng… trên giấy ảnh 1

Trung thần, vở cải lương lịch sử được đầu tư chất lượng

Ở góc nhìn khác, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực sân khấu ở các trường chính quy bao năm qua “èo uột bền bỉ”. Quá hiếm gương mặt sinh viên ngành sân khấu nổi tiếng với nghề. Không ít đạo diễn, diễn viên sân khấu sau khi ra trường không tìm được công việc ổn định nên đành bỏ nghề. Trong khi đó, lực lượng diễn viên trẻ kịch nói đang hoạt động rầm rộ ở các sân khấu kịch XHH và phim ảnh hiện nay đa số có xuất thân từ các “lò” đào tạo tư nhân. Nghệ thuật hát bội không có trường lớp đào tạo bài bản, chính quy và quá hiếm bạn trẻ chịu theo nghề. Người trong nghề than, các trại sáng tác có nhưng hoạt động chưa đạt nhiều hiệu quả, minh chứng là quá ít tác phẩm ra đời từ trại sáng tác được dàn dựng.

Riêng các sân khấu kịch, rạp luôn là vấn đề nan giải. Hầu hết cơ ngơi các sân khấu kịch đang hoạt động đều trực thuộc các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi quận huyện và đa số được xây dựng từ 10 đến hơn 20 năm trước. Cơ sở vật chất xuống cấp nhưng các đơn vị XHH không thể đầu tư tu sửa lớn. Đáng buồn hơn, các ông bà bầu kịch nói vẫn đang ôm nỗi ngán ngại làm nghệ thuật là cầm chắc thua lỗ. Mới đây, câu chuyện NSND Hồng Vân phải đóng cửa sân khấu kịch ở Superbowl là minh chứng rõ nét nhất.

Đầu tư không cân xứng

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thẳng thắn bày tỏ: “Từ Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đến các cơ quan của Bộ VH-TT-DL thiếu tham mưu những quyết sách lâu dài cho sự phát triển sân khấu. Có cân xứng hay không khi dành sự chăm lo cho các nhà hát chuyên nghiệp, trong khi ở nhiều địa phương gần như là “vùng trắng” các hoạt động sân khấu? Hiện chỉ có một số đơn vị nổi bật ở Hà Nội, TPHCM hoạt động cầm chừng”.

Giải cứu sân khấu truyền thống: Những tiếng lòng… trên giấy ảnh 2

Thái hậu Dương Vân Nga-vở cải lương lịch sử được đầu tư chất lượng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Vấn đề duy trì điểm diễn thường xuyên cũng được nhiều nghệ sĩ nhắc tới, như chia sẻ của NSƯT Tấn Giao: “Tôi nghĩ mỗi tháng nên có ít nhất 2 suất diễn định kỳ, với sự đầu tư của Nhà nước, để anh em được làm nghề, nâng cao tay nghề, phục vụ khán giả thường xuyên, có như vậy khán giả mới không rời xa cải lương”. Còn NSƯT Phượng Loan bức xúc: “Cần phải đầu tư kinh phí dàn dựng các vở tuồng hoành tráng, biểu diễn nhiều suất, cho anh em nghệ sĩ làm nghề. Không nên dùng kinh phí đầu tư cho chỗ này một chút, chỗ kia một chút, để rồi tất cả đều làm nhưng không ra tấm ra miếng”.

Với các sân khấu XHH, cũng cần có sự “chia lửa” chứ không chỉ là lắng nghe, hứa hẹn rồi để đó. NSƯT Kim Tử Long cho biết, năm 2018, anh dựng vở cải lương lịch sử Rạng ngọc Côn Sơn với chi phí đầu tư hơn 800 triệu đồng, nhưng chỉ diễn được 3 suất rồi cất kho. “Tôi rất muốn tái diễn, bán vé giá rẻ với sự hỗ trợ một phần kinh phí của Nhà nước. Muốn làm sân khấu miễn phí để quảng bá nghệ thuật truyền thống thì nên đưa sân khấu đến trường học hoặc mời các em đến rạp xem hát. Sau mỗi buổi diễn có trưng cầu ý kiến để tìm ra xu hướng thưởng thức sân khấu của khán giả trẻ…”, NSƯT Kim Tử Long đề xuất.

Ngay với TPHCM, giới làm nghề mong muốn có một sự chuyển bộ từ cơ quan quản lý lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

“Tôi nghĩ chủ trương của TPHCM là muốn chăm lo cho nghệ thuật truyền thống nhưng Sở VH-TT TPHCM, đơn vị thực hiện các chủ trương đó, còn chủ quan, thiếu quyết tâm. Sở VH-TT phải ngồi lại cùng với các đơn vị nghệ thuật xem mình có đi đúng hướng của chủ trương hay không. Cần phải tìm thấy được lỗi do ai, thiếu sót chỗ nào, mạnh dạn nhìn ra “bệnh” để trị cho dứt, không kéo dài tình trạng: nghệ thuật truyền thống rệu rã, nghệ thuật hiện đại không xong, ca nhạc đóng cửa im ỉm… Ngoài ra, cũng cần xem xét và có điều chỉnh việc đầu tư hỗ trợ các sân khấu XHH làm nghề hiệu quả”, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nói.

THÚY BÌNH


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *