Giải Mai Vàng 25 năm: Thanh Hằng, Thanh Ngân và 3 tượng Mai Vàng

Giải Mai Vàng 25 năm: Thanh Hằng, Thanh Ngân và 3 tượng Mai Vàng

Chưa phân loại
03/11/2019
574 Lượt xem

Thanh Hằng, Thanh Ngân cùng Ngân Quỳnh, Thanh Ngọc – những nghệ sĩ thế hệ thứ tư của gia tộc nổi tiếng 4 đời theo nghề hát – đã làm rạng danh thêm cho truyền thống của gia tộc

Nhìn lại lịch sử Giải Mai Vàng, một phát hiện thú vị là có 2 chị em nghệ sĩ (NS) sân khấu trong một gia đình được 3 lần nhận giải Mai Vàng. Đó là NS Thanh Hằng đoạt Giải Mai Vàng năm 1997 (vai bà Mười, vở “Duyên kiếp”) và Thanh Ngân (vai Trang, vở “Trà Hoa Nữ”, năm 2000; vai Lan, vở “Lan và Điệp”, năm 2002).

Rất vinh dự với giải thưởng có được

NS Thanh Hằng đã xúc động nhớ đến tình cảm mà công chúng, bạn đọc Báo Người Lao Động đã dành cho chị và Thanh Ngân qua những lần nhận giải Mai Vàng. “Trong bộ sưu tập giải thưởng về sân khấu của chúng tôi, đã có 3 giải Mai Vàng. Tôi còn nhớ không khí đón nhận giải thưởng diễn ra trong vòng tay yêu thương của công chúng, bạn đọc của báo. Từ thành quả này, hai chị em luôn biết ơn gia tộc của mình” – NS Thanh Hằng bày tỏ.

Giải Mai Vàng 25 năm: Thanh Hằng, Thanh Ngân và 3 tượng Mai Vàng - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Thanh Hằng Ảnh: MINH HOÀNG

Còn Thanh Ngân, vừa mới được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NSND, xúc động bày tỏ: “Giải Mai Vàng là sự kiện văn hóa nghệ thuật mà NS mong chờ vào dịp cuối năm. Cảm xúc ùa về khi tôi biết được giải thưởng năm nay đã 25 tuổi, một chặng đường quá nhiều kỷ niệm và cũng đầy nghị lực phấn đấu của NS chúng tôi. Chúng tôi biết ơn Báo Người Lao Động vì trong nhiều giải thưởng do các cơ quan báo, đài thực hiện, Giải Mai Vàng vẫn bền bỉ, là cầu nối thâm tình giữa NS với công chúng – bạn đọc của báo. Chị em tôi rất vinh dự với những giải thưởng mình có được và rất vui mỗi khi ôn lại những kỷ niệm khó quên với Giải Mai Vàng, nhất là những dịp như 25 năm lần này”.

Giải Mai Vàng 25 năm: Thanh Hằng, Thanh Ngân và 3 tượng Mai Vàng - Ảnh 2.

NSND Thanh Ngân

Nói về vai bà Mười của Thanh Hằng trong vở “Duyên kiếp”, một vai phản diện thành công của cô, đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc nhận định: “Năm 1997, vai bà Mười được bình chọn Giải Mai Vàng là xứng đáng. Nếu tính từ cột mốc 1991, khi Thanh Hằng đoạt huy chương vàng triển vọng Giải Trần Hữu Trang, thì 6 năm sau, Thanh Hằng với vai bà Mười đã chạm tay đến tượng Mai Vàng, chứng minh sự chín muồi trong diễn xuất những vai có số phận ngang trái của mình”.

Nói về 2 vai diễn trong “Trà Hoa Nữ” và “Lan và Điệp” đã đoạt giải Mai Vàng, NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang – nhìn nhận đó là bước tiến vượt bậc của một cô đào trẻ giai đoạn 2000-2002, khi Thanh Ngân về cộng tác tại sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. “Cô đã gắn bó với nhà hát, mang lại cho mình nhiều huy chương vàng cá nhân trong các vở diễn tham dự liên hoan sân khấu toàn quốc. Với tinh thần lao động nghệ thuật bền bỉ, Thanh Ngân xứng đáng là nữ diễn viên đại diện cho thế hệ diễn viên trẻ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang có nhiều vai diễn hay, tiếp bước sáng tạo thế hệ tiền bối, được công chúng là bạn đọc Báo Người Lao Động ghi nhận” – NSND Trần Ngọc Giàu nói.

Truyền thống bốn đời theo nghề hát

Thanh Hằng, Thanh Ngân, Thanh Ngọc, Ngân Quỳnh là thế hệ NS thứ tư trong đại gia đình NS Hai Núi – Tư Hélène. Gia tộc này có 4 đời theo nghề hát. Nền tảng vững vàng đó đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng thương hiệu nghệ thuật cho cả gia đình.

Giải Mai Vàng 25 năm: Thanh Hằng, Thanh Ngân và 3 tượng Mai Vàng - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Kim Hoa và bốn con gái (từ trái qua): Thanh Ngân, Thanh Hằng, Thanh Ngọc, Ngân Quỳnh (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

NSND Huỳnh Nga cho biết: “Ông Hai Núi – ông cố của Thanh Hằng, Thanh Ngân – là NS tiền phong trong ngành hát bội pha cải lương. Năm 1934, ông thành lập gánh hát Tân Hí Ban với lực lượng đào kép gồm đa phần là con cháu của ông như: Hề Tỵ – con trai lớn, đào mùi Chín Điệp – vợ của Hề Tỵ, Ba Tẹt – tức kép độc Thiện Tâm, NS Kim Anh – vợ của Ba Tẹt, Văn Long – danh ca vọng cổ từng là kép chánh – chồng của cô đào lẳng, mùi Tư Helène. Hề Tỵ chính là ông cậu Hai của Thanh Hằng, từng thủ vai hề trên sân khấu của Bầu Hề Lập. Bà Tư Hélène chính là bà ngoại của chị em Thanh Hằng. Bà ca diễn rất điệu nghệ, con gái của bà là NS Kim Hoa cũng là đào lẳng, mùi nổi tiếng, tức là mẹ của 4 NS: Thanh Hằng, Thanh Ngọc, Ngân Quỳnh và Thanh Ngân”.

Không làm hổ danh gia tộc đã quá rực rỡ với những vai diễn vàng son, NS Thanh Hằng và các em gái trong nhà đều sở hữu giọng ca mạnh mẽ, có nội lực. Thanh Hằng đa tài trong cách thể hiện, chị có thể diễn một cách xuất sắc tất cả các loại vai tuồng như đào mùi, đào lẳng mùi, đào độc, lẳng độc, vai mụ và cả vai hài. Nét duyên dáng độc đáo của chị khiến cho khán giả cười hả hê nhưng sau đó thấm thía chất sâu lắng qua từng lời ca của chị.

Thành công nhất trong 4 chị em có lẽ là Thanh Ngân. Cô từng bước thể hiện xuất sắc các vai chánh trên sân khấu cải lương, mà trước đó là những nhân vật được các NS đi trước tạo dấu ấn. “Chính vì thế đầy thử thách nhưng cũng không kém gian nan vì bị so sánh. Nhưng với cách kể chuyện của thế hệ diễn viên trẻ, Thanh Ngân đã đưa vào các vai diễn để đời của các tiền bối góc nhìn của tuổi trẻ hôm nay để những vai như: Quỳnh Nga trong vở “Bên cầu dệt lụa”, Dương Vân Nga trong vở “Thái hậu Dương Vân Nga”, Nguyệt trong vở “Tô Ánh Nguyệt”, Lan trong vở “Lan và Điệp”, Đào Xuân trong vở “Giấc mộng đêm xuân”, Trang trong vở “Trà Hoa Nữ”… đều ghi dấu ấn riêng, được khán giả đón nhận” – NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét.

NS Ngân Quỳnh là em kế NS Thanh Hằng, là chị của Thanh Ngọc và Thanh Ngân. “Năm 1997, chị Hai Thanh Hằng đoạt Giải Mai Vàng, tôi cũng đoạt giải ba Tiếng hát Phát thanh – Truyền hình toàn quốc tại Hà Nội. Cả nhà theo nghệ thuật cải lương, chỉ riêng tôi rẽ sang ca nhạc rồi đóng phim. Phải nói, từ tấm gương của chị Hai Thanh Hằng mà mấy chị em phấn đấu theo nghề. Những thành tựu chị em đạt được đều xuất phát từ nỗ lực bản thân, với tâm nguyện phải sống sao cho xứng đáng là con nhà nòi” – NS Ngân Quỳnh bày tỏ.

Năm 2007, sau vai “máy bay bà già lái phi công trẻ” trong phim “Đam mê”, NS Ngân Quỳnh có thêm một bước ngoặt mới trong sự nghiệp diễn xuất. Chị thực sự gắn bó với phim bằng nét diễn lôi cuốn, sinh động. Nhờ lối diễn có chiều sâu và tự nhiên, Ngân Quỳnh đã tạo sự chú ý qua nhiều loại vai trong các phim: “Lối sống sai lầm”, “Cô gái xấu xí”, “Bỗng dưng muốn khóc”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Về nhà đi con”…

Khi phim “Về nhà đi con” lên sóng, Ngân Quỳnh nhận được nhiều thiện cảm của khán giả, chị thừa nhận sau phim này giá cát-sê của mình được tăng lên nhiều bậc.

NS Thanh Ngọc là đào chánh của các đoàn hát tỉnh trước khi về đầu quân cho các đoàn cải lương tại TP HCM. Đa dạng trong diễn xuất, ngoài các vai bi thương, Thanh Ngọc còn diễn cải lương tuồng cổ. Hiện nay, chị đang gắn bó với CLB Sân khấu Hoa Lan Trắng của cố NSƯT Út Bạch Lan, chuyên làm công tác thiện nguyện.

Trách nhiệm giữ gìn đạo của nghề

Nói về gia tộc theo nghề hát, góp phần vào sự phát triển của sân khấu cải lương miền Nam, NS Thanh Hằng tâm sự: “Tôi biết ơn gia tộc, mỗi khi nghĩ về bà ngoại, về các ông bà, chú bác trong gia đình, chúng tôi lại cảm thấy mình có trách nhiệm giữ gìn đạo của nghề. Nghệ thuật có thể làm cho con người thay đổi những suy nghĩ tiêu cực, như lời bà ngoại tôi thường dạy: “Hướng người ta sống đẹp, sống tốt qua lời ca, tiếng hát là một việc làm phước báu của gia đình. Nên đã theo thì phải chắc, không làm hổ thẹn gia đình”. Chị em tôi cũng biết ơn khán giả, bạn đọc Báo Người Lao Động đã yêu thương, tiếp thêm động lực qua Giải thưởng Mai Vàng để biến đam mê thành sức mạnh, vượt qua những thăng trầm, bám sàn diễn đến hôm nay”.

NS Kim Hoa là người mẹ đã ban cho các con mình lòng đam mê cháy bỏng và nghị lực sẵn sàng vượt qua chông gai để đến với nghề. “Nếu không có mẹ tôi động viên, truyền kiến thức, kinh nghiệm thì sẽ không có sự nối nghiệp của 4 chị em. Những thành tựu trong nghề mà chị em tôi đạt được, trong đó có Giải Mai Vàng, là những món quà ý nghĩa mà chị em tôi dành tặng mẹ” – NS Thanh Hằng xúc động nói.

Món quà tri ân mẹ

Sự kiện khán giả quan tâm những ngày qua là lần đầu 4 NS trong gia đình làm nghệ thuật này sẽ cùng diễn trong vở cải lương “Áo cưới trước cổng chùa” (diễn ra tối 16-11, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang). Thanh Hằng, Thanh Ngân sẽ cùng Ngân Quỳnh, Thanh Ngọc thể hiện các vai diễn trong tác phẩm sân khấu cải lương kinh điển của soạn giả Hà Huy Hà (tức nhà thơ Kiên Giang) trong một bản dựng mới của đạo diễn Phan Quốc Kiệt.

Bằng tất cả niềm tự hào về quá trình phấn đấu của mình, 4 chị em muốn vở “Áo cưới trước cổng chùa” ra mắt khán giả là món quà tri ân công lao nuôi dưỡng, bảo bọc, truyền nghề của NS Kim Hoa.

“Luôn ý thức và quý trọng truyền thống của gia đình, nhất là gia tộc thuộc hàng danh gia vọng tộc, có những thành tích sáng chói về nghề nghiệp sân khấu, 4 NS sẽ tạo thêm dấu ấn cho sàn diễn cải lương hiện nay qua vở “Áo cưới trước cổng chùa” – NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu tin tưởng.

Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *