Giải Trần Hữu Trang 2022: Có nên để NSƯT tranh tài cùng nghệ sĩ trẻ?

Giải Trần Hữu Trang 2022: Có nên để NSƯT tranh tài cùng nghệ sĩ trẻ?

14/07/2022
7407 Lượt xem

(CLV) – Đây là chủ đề được nghệ sĩ gạo cội và nghệ sĩ bước ra từ giải thưởng này quan tâm tại sự kiện công bố cuộc thi ‘Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang’.

Sự kiện có sự góp mặt của NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, NSƯT Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM.

Giải Trần Hữu Trang 2022: Có nên để NSƯT tranh tài cùng nghệ sĩ trẻ - Ảnh 1

Từ trái sang: NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Trịnh Thúy Mùi và NSƯT Thanh Thúy chủ trì cuộc họp. Ảnh: VĂN HÀ.

Cuộc thi vẫn giữ sức nóng

Kế thừa thành quả đã đạt được của “Giải thưởng Trần Hữu Trang” do Hội Sân khấu TP. HCM tổ chức (1991-2014) và cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang” đã được nâng tầm, mở rộng quy mô tổ chức toàn quốc.

Theo NSƯT Thanh Thuý, cuộc thi đã trở thành một trong những chương trình, sự kiện tiêu biểu của TP.HCM năm 2020 và nhận được nhiều khán giả, người mộ điệu cải lương yêu mến.

Giải Trần Hữu Trang 2022: Có nên để NSƯT tranh tài cùng nghệ sĩ trẻ - Ảnh 2

NSƯT Lê Tứ xúc động hào hứng khi giải Trần Hữu Trang trở lại. Ảnh: VĂN HÀ.

Bên cạnh đó, dù chưa thể công bố số lượng thí sinh tại buổi họp báo khởi động mùa giải mới, nhưng NSƯT Thanh Thuý cũng tiết lộ đến thời điểm hiện tại đã có hơn 30 nghệ sĩ đăng ký tham gia. Đặc biệt trong số đó có NSƯT, các nghệ sĩ bước ra từ Chuông vàng vọng cổ hay từng đoạt huy chương vàng cải lương Trần Hữu Trang.

Kịch bản vẫn là vấn đề nan giải

Cũng tại buổi họp báo, một trong những vấn đề được quan tâm chính là kịch bản cho các thí sinh tham gia cuộc thi.

Ở mùa trước, năm 2020 phần lớn thí sinh chọn kịch bản cũ để dự thi, thậm chí thi từ vòng bán kết đến chung kết một trích đoạn; hoặc nhiều thí sinh chọn trùng kịch bản…

Có ý kiến đề xuất BTC hỗ trợ thí sinh trong việc tìm chất liệu mới, để tránh lặp đi lặp lại cái cũ.

Tuy nhiên, NSND Trần Ngọc Giàu cho biết: “Thực ra trong nguồn kịch bản hiện nay hầu hết chúng ta đã có các kịch bản được các bạn khai thác rất nhiều trong các cuộc thi Trần Hữu Trang cho đến Chuông vàng vọng cổ.

Bây giờ tìm kịch bản mới, đặt hàng cho tác giả viết một số trích đoạn mới là một điều rất khó. Ngay bây giờ các đơn vị chuyên nghiệp đi tìm kịch bản mới đã là điều rất khó mặc dù trả tiền, cho nên đây là vấn nạn chung”.

Bên cạnh đó, NSND Trần Ngọc Giàu cũng cho rằng việc chọn trích đoạn, kịch bản mới, đôi khi giám khảo không nắm được diễn biến trước đó, sau này của nhân vật, nên chấm không chính xác.

Theo ông, những vai được các thí sinh chọn thường là nhân vật mẫu, phải đạt đến trình độ nào đó thì mới chuyển tải được, còn lại nếu chọn không đúng là xem như các thí sinh thất bại.

Vì vậy ông cho rằng thí sinh e dè, chứ không hẳn không có nhiều kịch bản. Giao BTC tìm, hỗ trợ kịch bản cho thí sinh là điều rất khó vì nhiều vấn đề: thời gian, kinh phí, nhân lực…

Giải Trần Hữu Trang 2022: Có nên để NSƯT tranh tài cùng nghệ sĩ trẻ - Ảnh 3

NSƯT Ca Lê Hồng (giữa) cùng họa sĩ Hồng Vân, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, họa sĩ Lê Văn Định tại hội nghị. Ảnh: H.K.

NSƯT Ca Lê Hồng cũng nói thêm: “Không phải làm trích đoạn mới bởi lẽ hiện nay sân khấu cải lương để tìm ra một kịch bản mới cũng là một vấn đề”.

Bà cũng nhận định nguồn kịch bản của cải lương vẫn còn nhiều nhưng vẫn chưa được khai thác hết chứ không phải là làm mới “ngang” một kịch bản.

NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, cho rằng BTC chỉ định hướng, việc tìm kịch bản, tìm đạo diễn… thuộc về thí sinh, đơn vị cử thí sinh tham gia.

Tác phẩm cũ có nhiều đất diễn nên thí sinh có xu hướng chọn vì thấy an toàn. Bà khuyến khích thí sinh chọn kịch bản mang hơi thở mới.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, Trưởng BTC – lưu ý, cái mới phải đảm bảo được sự mực thước, khuôn mẫu, cái hay, cái đẹp của cải lương. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang lưu giữ nguồn kịch bản lớn, sẽ hệ thống lại để cung cấp cho các đơn vị.

Lo lắng sự chênh lệch giữa các thí sinh

Tham dự tại sự kiện, NSND Thanh Tuấn cho biết khi đạt danh hiệu NSƯT thì nghệ sĩ đã có ít nhất 15 năm làm nghề, còn cuộc thi dành cho nghệ sĩ đủ 5 năm làm nghề trở lên. Vì thế, NSƯT có khả năng cao đoạt giải. Theo ông, BTC cần nghiên cứu lại đối tượng NSƯT được tham gia cuộc thi này.

Giải Trần Hữu Trang 2022: Có nên để NSƯT tranh tài cùng nghệ sĩ trẻ - Ảnh 4

NSND Thanh Tuấn băn khoăn về các thí sinh tham gia cuộc thi. Ảnh: VĂN HÀ.

NSƯT Lê Thiện đề xuất chia thành hai nhóm riêng. “Việc để NSƯT với thí sinh trẻ thi chung khiến tôi băn khoăn. Trong phạm vi một tiết mục thi 20 phút, nếu NSƯT có sơ suất, chúng ta có thể nể nang hơn. Như thế thì thiệt cho thí sinh trẻ thi cùng” – nữ nghệ sĩ bày tỏ.

Chia sẻ với PLO, NSƯT Vũ Luân cũng cho rằng: “Có thể thấy được sự quan tâm của các cấp dành cho cuộc thi.

Tuy nhiên việc để NSƯT và các thí sinh 5 năm hoạt động trong nghề tranh tài sẽ gây nên… chênh lệch giữa các thí sinh. Thiết nghĩ BTC cần khoanh vùng lại để có thể công bằng hơn giữa các thí sinh”.

Giải Trần Hữu Trang 2022: Có nên để NSƯT tranh tài cùng nghệ sĩ trẻ - Ảnh 5

Từ phải sang: NSND Lê Thiện, NSƯT Vũ Luân và Thoại Mỹ tại họp báo. Ảnh: H.K.

Tuy nhiên, theo NSND Trịnh Thúy Mùi, cuộc thi đã có vòng sơ tuyển nên thí sinh vào chung kết đã “một chín một mười”. Kết quả phụ thuộc sự thể hiện trên sân khấu.

Bà nhận định việc chia hai cấp không công bằng trong đánh giá nghệ thuật và khẳng định việc chấm chọn sẽ luôn công bằng.

Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022 dành cho những nghệ sĩ đang hoạt động nghệ thuật sân khấu cải lương trên phạm vi toàn quốc, bao gồm sân khấu công lập và ngoài công lập, có thâm niên hoạt động trên 5 năm (tính từ năm 18 tuổi).

BTC miễn vòng thi sơ tuyển đối với thí sinh đã đoạt huy chương vàng của giải thưởng Trần Hữu Trang những năm trước (trừ năm 2020) và huy chương bạc tại cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2020.

Vòng sơ tuyển tổ chức ở 3 địa điểm: TP.HCM (dành cho thí sinh từ Đà Nẵng trở vào TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ, từ 9 đến 12-9, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); Hà Nội (dành cho thí sinh từ Thừa Thiên – Huế trở ra, từ 14 đến 15-9, tại Nhà hát Cải lương Việt Nam); Cần Thơ (thí sinh thuộc các tỉnh miền Tây Nam bộ, từ 17 đến 20-9, tại Nhà hát Tây Đô).

Vòng chung kết diễn ra từ 18 đến 22-10, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Lễ trao giải dự kiến vào ngày 22-10, tại Nhà hát TP.HCM.


“Chuông vàng vọng cổ” thay đổi bất ngờ trong dịch Covid-19

Tối 13-9, vòng chung kết xếp hạng 2 của cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ lần thứ 15-2020” đã diễn ra tại Nhà hát Truyền hình HTV. NSND Thanh...

Cải lương tuồng cổ “khát” kịch bản sử Việt

(CLV) – Kịch bản về sử Việt trong cải lương tuồng cổ luôn truyền tải những thông điệp nhân văn, đầy tính giáo dục đến với công chúng nhưng...

5/5 - (1 bình chọn)
Nguồn bài viết: Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *