Hồi ký bằng USB của cô đào lừng danh Lệ Thủy

Hồi ký bằng USB của cô đào lừng danh Lệ Thủy

Chưa phân loại
21/10/2019
567 Lượt xem

Hồi ký của nữ nghệ sĩ lừng danh Lệ Thủy đang đi vào giai đoạn cuối cùng để chờ ra mắt công chúng. Còn trước đó bà đã từng nhiều lần từ chối, không muốn làm hồi ký.

Lần đầu tiên tại Việt Nam có một quyển hồi ký phát hành bằng hình thức USB. Còn công chúng mộ điệu nhiều thế hệ thì đang nôn nao chờ đón hồi ký của cô đào cải lương lừng danh Lệ Thủy có những gì. PV Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ca sĩ Dương Đình Trí – con trai nghệ sĩ Lệ Thủy về quyển hồi ký của mẹ mình mà anh là người thực hiện.

Quyển hồi ký đầu tiên phát hành bằng USB

Phóng viên: Vì sao anh và gia đình lại quyết định làm hồi ký cho nghệ sĩ Lệ Thủy vào thời điểm này dù khán giả đã mong chờ từ lâu?

Ca sĩ Dương Đình Trí: Năm sau là đúng dịp tròn 60 năm mẹ tôi theo nghề, bước vào nghiệp diễn, nghiệp ca hát nên tôi thấy đây là thời điểm thích hợp nhất, ý nghĩa nhất để làm hồi ký cho mẹ của mình. Đây cũng là thời điểm cần phải làm nhất vì mẹ tôi còn khỏe, còn nhớ được nhiều thứ chứ bây giờ mẹ đã lớn tuổi, sức khỏe đâu thể biết trước được thế nào. Vậy nên tôi càng quyết tâm thuyết phục nhiều lần để mẹ tôi đồng ý làm chứ mẹ tôi đâu có chịu làm hồi ký.

Vì sao anh lại chọn làm hồi ký của mẹ mình bằng cách quay hình và chọn phát hành nó bằng USB?

Tôi muốn gia đình và khán giả có được thứ gì lưu lại về mẹ mình – nghệ sĩ Lệ Thủy một cách hiện thực, sống động nhất nên chọn quay hình. Nếu làm hồi ký bằng sách, sau này đưa con cháu, chưa chắc chúng chịu đọc hay hình dung ra. Nhưng với hồi ký USB, mở màn hình lên con cháu thấy ngay trước mắt mình đã có một người bà là nghệ sĩ Lệ Thủy như vậy, ca hát như vậy.

Ở Việt Nam làm hồi ký quay hình rồi phát hành bằng USB thì chưa có. Tôi muốn mẹ tôi là người đầu tiên phát hành hồi ký bằng USB.

Hồi ký bằng USB của cô đào lừng danh Lệ Thủy - ảnh 1

Ca sĩ Dương Đình Trí giúp mẹ là nghệ sĩ Lệ Thủy thực hiện và phát hành hồi ký. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những kỷ niệm đi hát lần đầu được kể

Hồi ký của nghệ sĩ Lệ Thủy gồm bao nhiêu tập phim, chừng nào sẽ phát hành? Có thể hình dung nó như thế nào, có những nghệ sĩ nào sẽ tham gia trong đó?

Hồi ký của mẹ tôi dự kiến sẽ dài 30 tập nhưng thực tế cho thấy có thể khi dựng phim sẽ nhiều hơn 30 tập vì tư liệu quay được khá nhiều. Hiện phim đã quay xong hết, đang trong giai đoạn làm hậu kỳ, có thể đến cuối năm là tôi sẽ cho phát hành.

Các tập phim sẽ như một quyển hồi ký chương hồi kể lần lượt từ thời bé mẹ tôi là chị hai trong gia đình nghèo đông con ở Vĩnh Long, đến lúc 5-6 tuổi theo mẹ lên Sài Gòn ở quận 4 đi làm kiếm sống, rồi vào nghề hát, theo các đoàn hát… Tham gia quay hình sẽ có nhiều cô bác, anh chị có những kỷ niệm gắn bó với mẹ tôi như các nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn, Trọng Hữu, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Tô Kim Hồng, Thanh Nguyệt, Diệu Hiền, Thoại Miêu, Bích Hạnh, Châu Thanh, Ngọc Huyền, Thanh Ngân… Có những bác nghệ sĩ lớn có nhiều gắn bó với mẹ không xuất hiện trong phim được như cô Ba Bạch Tuyết bận, bác Diệp Lang, cô Mỹ Châu đang ở Mỹ, bác Thanh Sang mất vẫn sẽ được mẹ kể đến thật nhiều những kỷ niệm đặc biệt mà khán giả chưa bao giờ biết. Hay cô Phượng Liên ở Mỹ thì có một đoạn phim ghi hình cô nói về mẹ gửi về.

Ai cũng biết nghệ sĩ Lệ Thủy có cuộc đời riêng và cuộc đời đi hát rất êm đềm, không có sóng gió gì đặc biệt. Lệ Thủy cũng nói “Đời tôi êm ru hà”. Vậy cái gì sẽ là điểm nhấn của hồi ký để thu hút khán giả?

Chính báo chí trước và sau 1975 đều viết về mẹ tôi là một cô đào không có sóng gió, không có xì căng đan. Thời gian mẹ tôi đi hát chỉ hơn hai năm cũng đã nổi tiếng rồi, với đồng nghiệp cũng hòa thuận, không có gì va chạm đặc biệt. Mẹ tôi đúng là một người sinh ra để đi hát, suốt cuộc đời lúc nào cũng đi hát, thời gian nghỉ ở nhà rất ít, chỉ là lúc sinh con nhỏ thôi. Vậy nên điểm nhấn chính ở hồi ký của mẹ tôi sẽ là những kỷ niệm đi hát mà khán giả chưa từng biết được kể với những cảm xúc chân thật, nguyên sơ nhất. Ngay cả những cô bác nghệ sĩ khác kể về mẹ tôi cũng với những cảm xúc thật đến mức những người trong đoàn quay phim của chúng tôi lặng đi.

Bên cạnh đó, tôi giữ được rất nhiều tư liệu quý chưa hề công bố của mẹ tôi từ khi tôi mới 5-6 tuổi đến giờ, rồi những tư liệu về mẹ mà khi ngoại tôi mất giao lại cho tôi. Tôi cũng cho thu hình những bài ca cổ mà mẹ tôi đã nổi tiếng qua đĩa chứ chưa thu hình bao giờ như Bạch Thu Hà, Hoa Mộc Lan, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài…

Xin cám ơn ca sĩ Dương Đình Trí.

Học trò của thầy đờn Năm Truyền, Tám Đen

Nghệ sĩ Lệ Thủy sinh năm 1948 ở Vĩnh Long trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Lúc 5-6 tuổi, gia đình bà lên Sài Gòn mưu sinh ở quận 4. Nhờ giọng ca trời phú, 10 tuổi bà gặp được một người chơi đờn ca tài tử gần nhà tên Tư Long yêu thích giới thiệu đi học ca cổ với các thầy đờn chuyên nghiệp như Năm Truyền, Tám Đen. 12 tuổi nghệ sĩ Lệ Thủy được mời thu âm và vào nghề, đi hát ở đoàn cải lương Trâm Vàng. 14 tuổi Lệ Thủy đóng vai đào nhì. 15 tuổi bà về đoàn cải lương đại bang Kim Chung làm đào chánh.

Lừng danh từ 16 tuổi

Nghệ sĩ Lệ Thủy nhận giải Thanh Tâm – giải thưởng danh giá nhất lúc bấy giờ vào năm bà 16 tuổi. Từ đó bà nổi danh, trở thành một trong những ngôi sao cải lương sáng giá nhất cho đến hôm nay. Bà đã được trao danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1993 và danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2012.

HÒA BÌNH thực hiện


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *