Kiều Phượng Loan – Bền bỉ tình yêu nghệ thuật

Kiều Phượng Loan – Bền bỉ tình yêu nghệ thuật

Chưa phân loại
25/07/2018
585 Lượt xem

(CLV) – 10 năm xa sàn diễn, ngày trở lại, nghệ sĩ Kiều Phượng Loan dốc hết tâm sức với niềm đam mê cháy bỏng cho sân khấu

Trở lại với sân khấu không còn là hình ảnh cô đào ngày xưa, nghệ sĩ Kiều Phượng Loan đã thực hiện hàng loạt chương trình đưa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ vào học đường. Song song đó, bà còn dàn dựng các trích đoạn cải lương phục vụ khán giả tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM, đạo diễn Chương trình Nghệ thuật cải lương trên đường hội nhập nhân kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN và dàn dựng kịch bản “Núm ruột quê hương” nhân dịp lễ Quốc khánh 2-9. Nhìn Kiều Phượng Loan đam mê, nhiệt huyết với nghề như thể, khó ai ngờ bà từng rời xa sàn diễn suốt 10 năm để chiêm nghiệm về cuộc đời, về tình yêu to lớn mà mình đã dành cho nghệ thuật cải lương.

Như để chuộc lại lỗi lầm

Tuổi thanh xuân đã qua, không còn là cô đào chánh kiêu sa trên sàn diễn, Kiều Phượng Loan lui về với công việc đạo diễn, dàn dựng và truyền nghề cho nghệ sĩ trẻ. Bà được Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP HCM mời làm đạo diễn các chương trình “Làn điệu phương Nam và sân khấu lễ hội”. Theo nhận định của đạo diễn Hữu Luân, giám đốc trung tâm, Kiều Phượng Loan rất “mát tay”. Lớp nghệ sĩ trẻ được nữ nghệ sĩ này tiếp thêm “lửa” sẽ ngày càng yêu nghề và sống tử tế với nghề hơn.

Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan

Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan

Kiều Phượng Loan tâm sự suốt 10 năm xa sàn diễn, bà từng đội mưa xem các đêm diễn của đồng nghiệp rồi suy ngẫm về bản thân, tích lũy kinh nghiệm diễn xuất. Đến khi quay lại nghề, những đúc kết có được giúp bà tự tin hơn trong việc truyền nghề, biết lắng nghe để uyển chuyển, sửa đổi cho phù hợp với nhu cầu khán giả ngày nay, điều mà trước đây chưa bao giờ bà làm.

Khi dàn dựng vở cải lương “Niềm tin” – ca ngợi chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, Kiều Phượng Loan chủ động đưa các nghệ sĩ trẻ đến tham quan khu di tích lịch sử Ngã ba Giồng, tìm kiếm tư liệu về nữ anh hùng liệt sĩ này để họ tham khảo, hiểu nhân vật, nhập vai sẽ tốt hơn. Nhờ nỗ lực của bà, vở diễn thành công, nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả. Trước đó, với vở “Mẹ mãi trong đời con”, Kiều Phượng Loan cũng nỗ lực nâng đỡ dàn nghệ sĩ trẻ…

“Lúc trẻ, tôi chỉ đóng đào chánh, đào thương, giờ về chiều đóng vai đào mụ. Tôi nhận ra tình yêu nghệ thuật mãnh liệt trong tâm hồn mình. Việc rời bỏ sân khấu bởi nhiều yếu tố vô thường của đời người nhưng khi đã xác định trở lại, tình yêu đó sẽ bền bỉ, không bao giờ phai mờ. Tôi có nhiều sai lầm, nuối tiếc nhưng rồi tất cả cũng trôi qua. Bây giờ, tôi muốn làm để chuộc lỗi với tổ nghiệp” – Kiều Phượng Loan trải lòng.

Hiện tại, trên sàn tập, Kiều Phượng Loan dốc hết sức mình cho thế hệ sau. Trên sàn diễn, bà sẵn sàng lót đường, nâng bước nghệ sĩ trẻ. “Tôi xem việc dìu dắt đàn em là hạnh phúc. 45 năm theo nghề, tôi đã bỏ phí hết 10 năm. Từ khi trở lại, tôi luôn mang tâm trạng vừa làm nghề vừa học hỏi. Sự đam mê, nhiệt huyết của các bạn trẻ tiếp cho tôi động lực để sống tử tế với nghề mà mình đã chọn” – Kiều Phượng Loan tâm sự.

Con đường không chỉ toàn hoa hồng

Trước khi là một Kiều Phượng Loan tận tâm với nghề, dốc lòng vì nghệ sĩ trẻ và biết lắng nghe, học hỏi, nữ nghệ sĩ này từng là một cô đào giàu có, con đường nghệ thuật trải đầy hoa hồng.

Với gia cảnh giàu có, từ nhỏ, Kiều Phượng Loan đã được cậu là danh ca Út Hiền chỉ dạy, rèn giọng. Lớn lên, có thanh, có sắc lại là con gia đình bề thế, Kiều Phượng Loan bước vào nghề hát nhẹ nhàng ngay sau khi rời Trường Quốc gia âm nhạc – Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM). Kiều Phượng Loan không cần phải tiến bước theo thứ bậc thông thường từ vai quân sĩ, tì nữ mà trở thành đào chánh trong gánh hát do cha mình lập ra.

Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan dạy nghề cho các nghệ sĩ trẻ trên sân khấu

Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan dạy nghề cho các nghệ sĩ trẻ trên sân khấu

“Tôi không có ngày nào đóng vai phụ. Cha mẹ mời các bậc cao niên dạy ca, dạy múa cho tôi; tuồng thì có các soạn giả danh tiếng: Hà Triều, Hoa Phượng, Viễn Châu… viết đo ni đóng giày để tôi tỏa sáng. Cứ thế, tôi chẳng nhận ra mình có yêu nghề không, chỉ lao theo ánh hào quang có sẵn mà sống, mà tự hào” – Kiều Phượng Loan nhớ lại.

Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan cho biết những lúc lười biếng hoặc muốn đi chơi hơn là biểu diễn, bà cứ giả vờ đau bụng để cha mẹ trả vé cho khán giả. Lúc đó, bà chẳng nghĩ gì đến anh chị em hậu đài chờ từng suất hát mới có tiền mua gạo; cũng chẳng ái ngại cho các nghệ sĩ trẻ đóng vai phụ bật khóc khi phải lau đi gương mặt đầy son phấn vì không được diễn trong nỗi buồn vô hạn…

Không chỉ thế, Phượng Loan cũng vội vàng trong tình yêu, lao vào những cuộc tình chóng vánh để đỡ cô đơn, hiu hắt. Bà thổ lộ rằng do bước vào tình yêu vội vàng nên khi kết thúc cũng nhẹ nhàng, không vướng bận. Những cuộc tình này đến rồi đi vô cùng nhạt nhòa, không để lại điều gì cả.

Thông thường, những ảo vọng, ánh hào quang đến nhanh sẽ tắt nhanh và cuộc đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng. “Cha tôi tuyên bố bỏ gánh hát khi nợ nần chồng chất. Tôi bắt đầu về hát cho các đoàn nhưng do quen kiểu “con bầu gánh” nên bị đồng nghiệp lánh xa. Một lần, tôi vào hậu trường đoàn Thanh Minh – Thanh Nga xem chị Thanh Nga tập tuồng. Thanh Nga khuyên tôi rất nhiều, lấy chính cuộc đời chị cũng là con bà bầu, gia đình giàu có, nếu không biết nỗ lực rèn luyện sẽ hư nghề… Tôi dần dần tỉnh ngộ!” – nghệ sĩ Kiều Phượng Loan kể.

Từ đó, Kiều Phượng Loan suy nghĩ nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn, sẵn sàng đóng những vai đào phụ, không ngại vai khó. Dần dần, cái tên Kiều Phượng Loan được đồng nghiệp yêu mến, những “đàn chị” trong nghề cũng dành nhiều lời khen tặng.

“Là cháu của nghệ sĩ Út Hiền nên Loan ca mùi mẫn. Hàng loạt vai của Thanh Nga sau khi cô qua đời, bà bầu Thơ trao hết cho Loan. Nghệ sĩ mỗi người một con đường đến với nghề, xuất phát điểm khác nhau nhưng với Loan, tình yêu với nghệ thuật chậm mà chắc, càng về sau tình càng sâu đậm, bền bỉ” – nghệ sĩ Út Bạch Lan nhận xét.

Nghệ sĩ đa tài

Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan vào nghề năm 1970, từng là diễn viên chính của các đoàn: Lan Thanh – Kiều Phượng Loan, Thanh Minh – Thanh Nga, Sông Bé 2, Minh Tơ, Tân Dạ Lý, Phước Chung… Năm 1979, Kiều Phượng Loan về đoàn kịch nói Kim Cương, rồi làm trưởng Đoàn Cải lương Phước Chung – đơn vị từng dựng các vở diễn đạt doanh thu cao tại sân khấu Nhà hát Hòa Bình những năm 1980-1990: “Chắp cánh uyên ương”, “Tình và tiền”, “Hoàng hậu Ỷ Lan”, “Sông Hương chàng đợi ai”, “Lá thắm chỉ hồng”…

Với những kịch bản đề tài chiến tranh cách mạng, Kiều Phượng Loan từng diễn nhiều vai: Võ Thị Sáu (vở “Người con gái Đất Đỏ”), Lê Thị Hồng Gấm (“Đất Mũi kiên trung”), Nguyễn Thị Định (“Đêm huyền thoại”)… Năm 2010, bà thực hiện live show “Về lại với tình yêu”, tạo dấu ấn đậm nét qua các vai diễn: Nữ hoàng (“Truyền thuyết và tình yêu”), Hoa Mộc Lan (vở cùng tên), Phồn Y (“Lôi Vũ”), Ỷ Lan (“Nhiếp chính Ỷ Lan”)…

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *