Làm mới sân khấu từ những thử nghiệm

Làm mới sân khấu từ những thử nghiệm

09/12/2022
395 Lượt xem

(CLV) – Sau hơn 10 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V-2022 đã để lại dấu ấn từ những thử nghiệm, khơi lên nguồn cảm hứng sáng tạo trên hành trình đổi mới sân khấu.

Làm mới sân khấu từ những thử nghiệm

Cảnh trong vở Thượng thiên Thánh Mẫu (Nhà hát Cải lương Việt Nam-Liên đoàn Xiếc Việt Nam) – Huy chương vàng Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V-2022. (Ảnh: ĐÀO ANH)

Tham gia sân chơi nghệ thuật quốc tế do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức, 16 đơn vị nghệ thuật trong nước cùng bốn đơn vị nghệ thuật đến từ Italia, Ba Lan, Singapore, Hàn Quốc đã mang đến 19 chương trình, vở diễn ở nhiều loại hình như kịch nói, cải lương, múa rối, xiếc… Và điều thú vị là hầu hết các tác phẩm đều tạo được sức hút bằng những “phép thử” sân khấu độc đáo, mới mẻ. Tiêu biểu phải nói tới “Antigone” (Sân khấu Lucteam) với nỗ lực Việt Nam hóa một kiệt tác kịch cổ đại Hy Lạp.

Vẫn theo đuổi phong cách ước lệ biểu hiện, đạo diễn, NSƯT Trần Lực đã tìm ra được sợi dây gắn kết giữa tác phẩm kinh điển của thế giới với khán giả Việt Nam hiện đại thông qua sân khấu tối giản kết hợp thanh âm, sắc màu đặc trưng của sân khấu truyền thống hòa trong tiếng đàn bầu, tiếng trống, tiếng đập của những gậy tre… Hay với “Người trong cõi nhớ” (Nhà hát Kịch Việt Nam), yếu tố thử nghiệm cũng hiện diện rõ nét khi nhiều lát cắt không gian khác nhau được tái hiện để kể về cõi sống, cõi chết, cõi nhớ, cõi quên với những câu chuyện giàu giá trị thời sự.

Đáng chú ý, nhiều vở diễn tham dự liên hoan đã tạo được ấn tượng mạnh về thị giác qua thiết kế sân khấu. Điều này thể hiện rõ nét ở “Đến bờ bên kia” (Đoàn Kịch nói Hải Phòng) với thử nghiệm dựng lên cả giàn khung kim khí tượng trưng cho những khoang chật hẹp trên con đò đi tìm bản ngã, nơi nhiều thành phần xã hội từ trí thức, lái buôn, nhà sư, cô giáo, trẻ con, tướng cướp… cùng xuất hiện và bộc lộ bản ngã.

Hai vở rối “Bản tình ca trên núi” (Nhà hát Múa rối Việt Nam) và “Lời thề” (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng) lại gây dấu ấn với thiết kế không gian lãng mạn, giàu màu sắc dân gian bản địa, góp phần tôn lên những sáng tạo trong thiết kế, tạo hình rối, đồng thời tạo sự gắn kết hài hòa cho các phân cảnh có cả người và rối diễn chung.

Cũng từ liên hoan lần này, xem các vở như “Giác” (Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long-Hội Sân khấu Hà Nội), “Đối thoại âm dương” (Câu lạc bộ Sân khấu Biển hẹn), “Ê-đíp làm vua” (Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội), có thể nhận ra một trong những dấu ấn thử nghiệm nổi bật là sử dụng phương pháp độc diễn để tạo sự chú ý, tương tác với khán giả, khơi lên chiêm nghiệm nơi người xem.

Bên cạnh đó là xu hướng thử nghiệm sử dụng tổng hợp nhiều ngôn ngữ, yếu tố sân khấu trong dàn dựng, chẳng hạn như ở “Thượng thiên Thánh Mẫu” (Nhà hát Cải lương Việt Nam-Liên đoàn Xiếc Việt Nam) là sự kết hợp táo bạo giữa nghệ thuật xiếc và ngôn ngữ cải lương truyền thống; hay ở “Truyền tích nàng Thơm” (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An) là sự hợp lực giữa cải lương, âm nhạc truyền thống với múa, ngôn ngữ hình thể…

Có thể thấy, dù ít hay nhiều thì khi đến với Liên hoan, các tác phẩm dự thi cũng đã mang theo tinh thần thử nghiệm. Những thử nghiệm đã mang đến luồng gió mới cho sân khấu, khẳng định lửa nghề, khao khát sáng tạo vẫn đang cháy trên sàn diễn. Những tìm tòi, trăn trở đáng trân trọng này cũng chính là động lực thắp lên hy vọng cho sự đổi mới, bứt phá của sân khấu nước nhà.

Tuy nhiên, từ Liên hoan, bên cạnh những “phép thử” thành công, cũng cần nhận diện những yếu tố chưa tới để cùng rút kinh nghiệm. Nhận định về những hạn chế của liên hoan, PGS Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho rằng, một số vở diễn sa vào thể hiện, diễn xuất quá đà, trong khi “với nghệ thuật chuyên nghiệp, liều lượng phải vừa đủ vì quá cũng hư mà hụt cũng hỏng”.

Ông lấy thí dụ, có vở diễn nước ngoài sa đà vào cách diễn tả chân nên đôi lúc khiến một vài lớp diễn trở nên thô thiển; hay ở “Hedda Gapler” (Nhà hát Tuổi trẻ), yếu tố đài từ với sự thuộc lòng nên gây cảm tưởng diễn viên nói như máy, còn ở “Ê-đíp làm vua” (Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội), sự thể hiện sự đau khổ, dằn vặt đôi lúc gây phản cảm cho người xem…

Bên cạnh các yếu tố chuyên môn, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, liên hoan có quy mô quốc tế nhưng chưa thu hút được sự tham dự của nhiều đơn vị nghệ thuật nước ngoài.

Do đó, sự học hỏi, cọ xát của sân khấu Việt Nam với quốc tế chưa cao. Dù có sáng tạo trong dàn dựng, diễn xuất, song dấu ấn thử nghiệm của các đoàn quốc tế tham dự liên hoan chưa thật đậm nét như mong đợi.

Vì thế, làm thế nào để huy động đông đảo hơn sự tham dự của các đơn vị nghệ thuật quốc tế uy tín trong những sân chơi đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao là điều cần phải tìm giải pháp khắc phục, giúp sân khấu Việt Nam có điều kiện, giao lưu, tiếp thu, làm mới mình hơn nữa.


Dời Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc vào tháng 11-2022

(CLV) – Việc dời liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc vào năm sau sẽ có thời gian chuẩn bị vở tốt hơn, bảo đảm bảo chất lượng...

Sân khấu góp phần xây dựng và phát triển nhân cách con người

(CLV) – Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lễ giỗ Tổ nghề sân khấu và Lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (ngày 12/8 âm...

Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: Nhân dân

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *