‘Lan và Điệp’ như mới hôm qua

‘Lan và Điệp’ như mới hôm qua

Chưa phân loại
20/08/2019
613 Lượt xem

Hơn 40 năm Lan và Điệp mới chính thức bước lên sân khấu, và đêm công diễn 17.8 tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) đã không làm khán giả mộ điệu cải lương phải thất vọng.

Từ trái sang: NSƯT Thanh Điền, danh hài Minh Nhí, nghệ sĩ Hồng Đào, nghệ sĩ Thanh Hằng trong Lan và Điệp. Ảnh: H.Kim

Từ trái sang: NSƯT Thanh Điền, danh hài Minh Nhí, nghệ sĩ Hồng Đào, nghệ sĩ Thanh Hằng trong Lan và Điệp. Ảnh: H.Kim

Vẫn là câu chuyện quen thuộc về mối tình giữa cô Lan và anh Điệp, nhưng để chuyển thể từ bản thu âm vỏn vẹn 90 phút ngày xưa thành vở diễn sân khấu với thời lượng gấp đôi là thử thách không nhỏ. Ông bầu Gia Bảo trong vai trò đạo diễn đã khéo giải quyết bằng cách sử dụng loạt tác phẩm tân nhạc Lan và Điệp 1, 2, 3, 4 xen kẽ giữa các lớp diễn nhằm khắc họa rõ hơn câu chuyện và tâm trạng của nhân vật. Đây cũng là chút gợi nhớ về sức ảnh hưởng của vở cải lương đối với âm nhạc, với đời sống nghệ thuật trong suốt một khoảng thời gian dài.

Bên cạnh đó, với sự cố vấn của NSƯT Thanh Điền, Gia Bảo cũng mạnh dạn đưa thêm những lớp diễn mới, chẳng hạn như lớp độc diễn của Tú Sương khi cô Lan trải lòng sau cánh cửa nhà chùa rất ấn tượng, hay bài vọng cổ Lan và Điệp được Vũ Luân trình bày quá hay khi Điệp đến tìm Lan trong mịt mờ sương khói chia ly. Cả sự hoạt náo tưng bừng của anh bếp Sạt hài hước do danh hài Minh Nhí thể hiện, hợp cùng nét hài rất duyên của Hồng Đào trong vai Thúy Liễu giúp khán giả thỏa mãn được phần “nhìn”, thời lượng vở diễn cũng được lấp đầy hợp lý.

Và cốt lõi cho thành công của vở diễn chính là ngôn ngữ tuyệt đẹp thấm đượm chất tự sự đặc thù của nghệ thuật cải lương. Từng lời ca con chữ do soạn giả tài hoa Loan Thảo viết nên đều được thể hiện xuất sắc bằng những giọng ca bất hủ. Qua bao nhiêu năm, NSƯT Thanh Kim Huệ vẫn giữ nguyên phong độ, khiến người nghe tưởng chừng như vẫn là cô gái 14 tuổi năm nào lần đầu đóng vai chính. Nhiều nghệ sĩ đã thể hiện các bài hát trong Lan và Điệp, nhưng mấy ai có được chất giọng hồn nhiên, trong trẻo như vậy. Chất giọng ấy đã khắc họa nên một cô Lan thanh xuân khiến người ta yêu mến, để rồi càng yêu mến thì càng tiếc thương cho một đời hoa sớm lụi tàn. Nhất là lớp diễn tái ngộ cùng anh Điệp trong giờ phút hấp hối, chị đã thể hiện xuất sắc qua bài Tứ đại oán.

Giọng hát chan chứa tâm sự và nỗi đau, có những lúc uất nghẹn, những lúc thều thào của người sắp lìa đời nhưng vẫn tròn vành rõ chữ, từng lời từng câu đầy nội lực diễn xuất làm cả khán phòng rung động. Hòa cùng với Thanh Kim Huệ là giọng ca đậm chất thư sinh của Chí Tâm. Anh ca diễn chừng mực, hiền lành nhưng từng làn hơi ngân rung độc đáo, phối hợp tuyệt vời với bạn diễn làm nên một bản tuyệt phối đưa cô Lan và cả khán giả đi vào cõi nhớ.

Vở diễn gần 3 tiếng đồng hồ, đọng lại chính là những tràng vỗ tay, những cảm xúc chân thật của cả nghệ sĩ lẫn khán giả dành cho một tác phẩm hay. Nhờ công sức các nghệ sĩ: Thanh Kim Huệ, Chí Tâm, Hồng Nga, Thanh Điền, Thanh Hằng, Minh Nhí, Hồng Đào, Trọng Phúc, Tú Sương, Vũ Luân, Hoài Lâm… đã làm nên một Lan và Điệp 40 năm mà dường như chỉ mới hôm qua.

Hoàng Kim


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *