"Lửa nghề" của một nghệ sĩ trẻ

"Lửa nghề" của một nghệ sĩ trẻ

Chưa phân loại
27/02/2019
591 Lượt xem

“Gió đưa hương đượm mùi bồ kết/Thoảng câu hò, thoảng câu hò tha thiết tình quê…”, câu hát dân ca ngọt ngào mà anh giao hàng ngân nga khiến tôi tò mò.
Hỏi chuyện anh, tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết anh là một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Câu chuyện đầu năm giữa tôi và nghệ sĩ cải lương Nguyễn Hữu Nhân cứ thế mãi không ngừng…
Hai tấm Huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu Thủ đô năm 2018 và Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 là thành công của nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nhân đạt được trong năm qua. Anh gọi đó là phần thưởng tinh thần lớn nhất mà anh nỗ lực phấn đấu trong suốt 5 năm gắn bó với nghề. Nhớ lại tuổi thơ mỗi lần đi học về được nghe bố mở cải lương qua sóng FM, anh lại ứa nước mắt. Anh kể, sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh thi đỗ vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa nhưng vì gia đình nghèo khó nên anh phải lỡ dở việc học hành. Để mưu sinh mà vẫn thỏa được đam mê với nghệ thuật, anh tìm được cho mình một công việc phục vụ tại một nhà hàng nằm ngay cạnh trường này. Mỗi ngày, vừa làm việc, vừa được nghe tiếng nhạc dân ca vọng ra từ trường học, được nhìn các bạn tới trường, tình yêu với cải lương, với nghệ thuật dân tộc cứ thế một lớn dần lên. Như một cái duyên với nghề, năm 2011, anh quyết tâm lên Hà Nội tìm hiểu và thi vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Thế rồi, Nguyễn Hữu Nhân trở thành thủ khoa của Khoa Kịch hát dân tộc, lớp Diễn viên cải lương, khóa 2011-2015.

Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nhân.

Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nhân.


Anh chàng phục vụ ngày nào giờ đã trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp. Anh tâm sự, mỗi lần hóa thân vào nhân vật, anh cảm nhận được anh không còn là anh nữa. Anh hạnh phúc vì được hát, được thể hiện đam mê, được đứng chung sân khấu với các nghệ sĩ tên tuổi trong nghề. Từ vai Tam-con của một địa chủ trong vở diễn “Tấm lòng vàng”, vai Ngọc-một chiến sĩ cảnh sát nhân dân thanh liêm, chính trực trong vở diễn “Đen trắng vòng đời” đến vai Hiếu-một người con nuôi hiếu nghĩa trong vở diễn “Nước mắt không chảy ngược”-vai diễn mang về cho anh tấm Huy chương Bạc tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018…, qua mỗi vai diễn anh lại trưởng thành hơn và dần khẳng định tài năng với nghề.
Nói đến đây, giọng anh như nghẹn lại. Anh chạnh lòng kể về mỗi đêm diễn, mặc dù nhà hát chuẩn bị công phu nhưng khán giả có hôm thưa thớt khiến lòng nhiệt huyết với nghề của những nghệ sĩ cải lương cũng bị “chênh chao” phần nào. Đã vậy, thu nhập từ nghề chưa đến 5 triệu đồng/tháng. Mưu sinh trên thành phố với đồng lương eo hẹp này chắc chỉ đủ cho anh nuôi sống bản thân chứ sao đủ để lo toan, trang trải cuộc sống gia đình. Để bám trụ với nghề, ngoài giờ làm việc tại Nhà hát Cải lương Hà Nội, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nhân phải lăn lộn đủ nghề từ đi dán tem sản phẩm đồ gia dụng, quảng cáo sản phẩm đến diễn kịch cho các cơ quan, đơn vị…
Đã có lần anh nghĩ đến chuyện đổi nghề. Nhưng sau mỗi đêm diễn, được khán giả tặng những bó hoa tươi thắm, những cái ôm thật chặt, những lời khen, góp ý chân thành, động lực để anh bám trụ với nghề lại được cháy lên. Anh khoe với tôi những buổi sáng đèn đều đặn của nhà hát. Có những vở diễn được khán giả ủng hộ, đón xem rất đông, đến kín rạp. Vui hơn là đối tượng khán giả ngày nay không chỉ có những người lớn tuổi, những vị khách nước ngoài mà còn có những bạn trẻ yêu thích nghệ thuật cải lương. Anh bảo, cái hay của cải lương là làm cho con người thấy được cuộc sống xung quanh qua từng lời ca, lời thoại, hình tượng của từng nhân vật trên sân khấu. Và cái hay đó cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác luôn hướng con người tới những giá trị chân-thiện-mỹ trong cuộc sống. Vậy nên anh tâm niệm rằng, bản thân cứ nỗ lực hết mình với nghề rồi nghề sẽ không phụ công…

Bài và ảnh: UYÊN NHI


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *