Mạnh thường quân “tiếp lửa” cải lương

Mạnh thường quân “tiếp lửa” cải lương

Chưa phân loại
20/08/2019
539 Lượt xem

Có thể nói, làm nghệ thuật mà không có kinh tài vững chắc sẽ khó lòng vươn tới đỉnh cao. Đời sống nghệ thuật cải lương là minh chứng sống động cho điều này. Nếu không có sự chung tay từ những mạnh thường quân tri âm, cải lương khó thăng hoa và phát triển cho đến ngày nay.

Thương nhân nuôi nghệ thuật

Sân khấu cải lương mới kỷ niệm cột mốc 100 năm ra đời chưa bao lâu. Trong dòng chảy đó, bên cạnh những gánh hát của ông bà bầu, soạn giả, đào kép hàng đầu, lịch sử cải lương cũng ghi nhận tâm sức của nhiều nhà tư sản dân tộc, doanh nhân đã chung tay gầy cuộc trăm năm cùng sân khấu cải lương, như các ông Trương Văn Bền, Bùi Quang Chiêu đến từ Hội Kỹ nghệ và thương gia người Việt.

Một trong những cái tên không thể không nhắc đến là ông Trần Đắc Nghĩa, chủ doanh nghiệp kinh doanh xe khách Sài Gòn tỏa đi các tỉnh miền Tây. Ông đã bỏ tiền lập gánh Trần Đắc, tạo điều kiện cho soạn giả Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) sáng tác những kịch bản theo trào lưu tân thời, với phương châm cải lương phải “Thật và Đẹp”.

Cùng với gánh Trần Đắc, gánh Phước Cương của Bạch công tử Lê Công Phước và Nguyễn Ngọc Cương (thân phụ nghệ sĩ Kim Cương) là 1 trong 2 gánh hát lớn nhất thời bấy giờ. Gánh quy tụ nhiều đào kép hàng đầu lúc ấy như Năm Phỉ, Tám Danh, Tám Mẹo… Sau đó, ông Lê Công Phước lập gánh Huỳnh Kỳ, có quy mô lớn nhất vùng lục tỉnh Nam kỳ.

Mạnh thường quân “tiếp lửa” cải lương ảnh 1

Đại diện SCB tặng hoa cho các nghệ sĩ tham gia chương trình Cải lương Trăm năm nguồn cội.

Giàu có, lại có lòng với cải lương, ông sắm ghe máy chở đào kép đi lưu diễn và được trang bị như du thuyền, đưa cải lương len lỏi vào những vùng xa xôi như Vĩnh Kim, Ba Dừa, Cái Thia… Bạch công tử cũng cho xây rạp hát Huỳnh Kỳ để đoàn có nơi diễn thường xuyên. Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, nghệ sĩ Ba Vân đều quý trọng và xem Bạch công tử là người có công đóng góp, tạo điều kiện cho sân khấu cải lương phát triển.

Đông tay thì vỗ nên kêu

Trải qua thời cuộc, cải lương đi qua nhiều thăng trầm, biến động, và hiện đang bước vào dòng chảy kỷ nguyên số với sự cạnh tranh ngày càng nhiều loại hình giải trí mới lạ. Nếu không có sự chung tay của các mạnh thường quân, doanh nghiệp có lòng với nghệ thuật truyền thống, nhiều vở diễn khó mà tổ chức được. Cái tên quen thuộc với khán giả theo dõi các chương trình cải lương trên sóng HTV là Saigonbank.

Đây là đơn vị tài trợ chính cuộc thi Chuông Vàng vọng cổ hơn một thập niên qua, đồng hành cùng “Ngân mãi chuông vàng” từ năm 2011 đến nay. Ban lãnh đạo đơn vị cho biết mong muốn góp phần duy trì, tôn vinh loại hình nghệ thuật dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa miền Nam. Chính nhờ sự đồng hành lâu dài này, các chương trình cải lương trên sóng truyền hình được tổ chức thường kỳ, mở ra những cuộc thi phát hiện tài năng mới cho sân khấu cải lương.

Một điều đáng mừng của sân khấu cải lương trong thời gian gần đây là sự “trở mình” của sân khấu cải lương phía Nam, với sự góp sức của nhiều đoàn xã hội hóa. Sân khấu Chí Linh – Vân Hà là một trong số đoàn thành công, nhờ nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu khán giả, đầu tư trang phục đẹp, chọn đào kép ăn khách, đầu tư kịch bản mới hấp dẫn.

Vở Đoàn Hồng Ngọc phá trận Thuần Dương diễn trong tháng 7-2019 vừa qua đã “cháy vé”, đoàn phải mở bán thêm vé trên lầu và cả ghế rời. Vợ chồng nghệ sĩ Chí Linh – Vân Hà lên kịch bản, chọn diễn viên, người định hướng và đầu tư kinh phí cho vở diễn là nhà sản xuất Trần Hào. Nhờ có người tính toán giúp bài toán kinh tế và lo chi phí, đôi nghệ sĩ có thể dồn tâm sức cho mặt nghệ thuật, thu hút khán giả đến với các vở diễn mới.

Gần đây, sân khấu Đại Việt mới ra mắt gây tiếng vang với vở Chuyện tình Khau Vai. Thử thách với kịch bản mới, cách dàn dựng mới, nhà sản xuất đã lường trước được những khó khăn, nhưng vẫn thực hiện để tạo sự tin tưởng và tiếp cận lớp khán giả trẻ văn minh. Tuy có xuất diễn khán phòng không phủ hết khán giả, nhưng vở diễn may mắn nhận được sự hỗ trợ từ Nutifood, DonaCoop, cùng một số đối tác khác để trợ lực, cùng chung tay giúp sân khấu sáng đèn nhiều đêm diễn.

Đại diện Công ty Green Horizon, nhà sản xuất chương trình Cải lương – Trăm năm nguồn cội chia sẻ: “Kỳ vọng êkip chương trình đặt ra là giới thiệu giá trị quý báu của nghệ thuật truyền thống, gầy dựng lại tình yêu cải lương cho người mộ điệu, đặc biệt là những khán giả trẻ, từ đó thu hút thêm khán giả đến với các vở diễn nguyên tuồng. Tâm ý này gặp được sự đồng cảm từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã đồng hành cùng chương trình, mua vé tặng cho khách hàng và nhân viên, tạo điều kiện cho nhiều người tìm đến cái hay cái đẹp của nghệ thuật cải lương Nam bộ hơn. Công ty Green Horizon đang xúc tiến giới thiệu các xuất diễn tháng 9, tháng 10 đến các trường học, khoa văn hóa tại các trường đại học, giới thiệu sâu rộng hơn nữa nghệ thuật cải lương đến với lớp khán giả trẻ”.

“Đông tay thì vỗ nên kêu”. Vẫn còn quá sớm để lạc quan về sự hồi sinh của nghệ thuật truyền thống này, nhưng sự nỗ lực không mệt mỏi của các đoàn cải lương, sự chung tay của các doanh nghiệp có lòng gìn giữ vốn quý của dân tộc, tin chắc cải lương sẽ mạnh mẽ bước qua cột mốc trăm năm, và tiếp tục duy trì trong dòng chảy của thời đại.

GIA NGUYÊN


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *