Nghệ sĩ Chí Tâm: Đời tôi không “về hưu”

Nghệ sĩ Chí Tâm: Đời tôi không “về hưu”

Chưa phân loại
09/04/2018
553 Lượt xem

(CLV) – Nghệ sĩ Chí Tâm cho rằng mình không bao giờ về hưu nhờ tay đờn, tay viết và sợi dây thanh đới trời cho

Về Việt Nam tham gia vở diễn “Đường gươm Nguyên Bá” tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nghệ sĩ Chí Tâm cho biết ông quyết định ở Việt Nam đến gần 5 tháng để bôn ba khắp các tỉnh miền Tây, giao lưu đờn ca tài tử. Ông nói mình có chút chạnh lòng khi toàn miền Nam chào đón sự kiện 100 năm nghệ thuật cải lương có phần lẻ mẻ, quạnh hiu nhưng ông tin sức sống mãnh liệt của môn nghệ thuật này hơn bao giờ hết bởi vào thời điểm này sẽ có những tác động để người làm nghề cùng hướng đến tổ nghiệp. Mỗi người sẽ làm điều gì đó bằng khả năng của mình cho sân khấu cải lương.

Tỏa sáng qua nhiều vở diễn trước đây như: “Nhất kiếm bá vương”, “Băng Tuyền công chúa”, “Nhạn về xóm liễu”, “Hán đế biệt Chiêu Quân”, “Nắng thu về ngõ trúc”…, đặc biệt với 2 vai: Điệp trong vở “Lan và Điệp” và vai Thiền sư trong vở “Đường gươm Nguyên Bá”, Chí Tâm là nghệ sĩ ca diễn nhưng chơi giỏi các loại nhạc cụ dân tộc. Ông cho rằng mình may mắn có đủ duyên được thọ giáo những thầy đờn giỏi như: Tứ Quốc, Năm Đờn, Năm Hí, Y Sơn… Nhờ đó, ngoài ca diễn, ông còn là nhạc sĩ cổ nhạc chơi giỏi nhiều loại nhạc cụ trong dàn cổ nhạc: guitar phím lõm, tranh, bầu, sến, sáo trúc… “Xa quê hương, tôi còn sống bằng nghề dạy đờn, dạy ca cho thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên tại Mỹ yêu thích cải lương. Chủ yếu dạy và học qua mạng internet” – nghệ sĩ Chí Tâm cho biết. Vì thế, ông tự tin nói rằng: “Nghệ sĩ ca diễn đơn thuần sẽ có tuổi hưu, còn tôi có thêm nghề đờn, nghề dạy cổ nhạc chắc không bao giờ về hưu”.

Nghệ sĩ Chí Tâm: Đời tôi không về hưu - Ảnh 1.

Chí Tâm và Ngọc Đợi trong vở diễn “Đường gươm Nguyên Bá”

Sáng tác cũng là một nghề của ông sau gần 60 năm gắn bó với sân khấu. Ông có hàng trăm bài ca cổ, bài bản đờn ca tài tử và kịch bản cải lương được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công.

“Có lẽ tổ nghiệp bắt tôi phải thích nghi với môi trường sống. Vì xa quê nhà nên buộc lòng phải viết bài hát để ca. Mỗi ngày tôi đều dành 4 giờ ngồi vào bàn làm việc, không viết thì đọc, nghiên cứu, tìm hiểu. May mắn là ở Mỹ có chương trình “Tiếng tơ đồng” để tôi giới thiệu về đờn ca tài tử hằng tuần. Chương trình định kỳ này ngốn lượng bài ca rất lớn nên càng thúc đẩy tôi sáng tác” – nghệ sĩ Chí Tâm cho hay.

Qua vở “Đường gươm Nguyên Bá” dựng mới, hỏi ông “nhận xét thế nào về sự tiếp nối của thế hệ diễn viên trẻ, theo ông, họ có đủ sức gánh vác sứ mệnh bảo tồn ngôi nhà sân khấu cải lương sau cột mốc 100 năm”, ông tâm sự: “Chúng ta đang đặt trên vai các em gánh nặng quá sức. Lỗi của người đi trước là chưa hết lòng, chưa toàn tâm. Các em có khả năng ca diễn tốt lắm. Nhờ chất xúc tác từ nhiều loại hình nghệ thuật khác và được công nghệ định hướng nên các em cập nhật nhanh, tự lược bớt những rườm rà, lê thê làm cho cải lương sang đẹp, đầy tiết tấu. Qua vở “Đường gươm Nguyên Bá” dựng lại hiện nay, khán giả đến xem rất đông, các suất diễn đều nhận được phản hồi tích cực. Tôi thấy vui vì điều này và hứa mỗi năm dành thời gian về Việt Nam tham gia cùng các em. Tôi nghĩ trọng trách gìn giữ sự tử tế cho cải lương không chỉ ở các em trẻ mà còn là của thế hệ nghệ sĩ chúng tôi”.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *