Nghệ sĩ Vũ Luân: Vượt lên chiều cao thân thể

Nghệ sĩ Vũ Luân: Vượt lên chiều cao thân thể

17/05/2017
883 Lượt xem

(CLV) – Hôm nhận Huy chương vàng Diễn viên xuất sắc giải Trần Hữu Trang 2007 tại hội trường Đại học Cần Thơ tối 15-9, Vũ Luân nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào không nói nên lời.

Tôi tủi thân vì ngày vui không có người thân bên cạnh. Ba tôi khi còn sống đã đồng ý cho tôi theo nghề, và luôn khuyên tôi đã đi là đi cho tới nơi tới chốn nay không còn nữa; mẹ tôi, người ngày trước âm thầm tìm thầy dạy ca cổ cho tôi, cũng không thể có mặt vì sức khỏe yếu, trong khi tôi đã rất nỗ lực để mang vinh quang này dâng tặng hai đấng sinh thành”.

Vũ Luân diễn trong trích đoạn Người ven đô (live show Vươn tới tương lai)

Vũ Luân diễn trong trích đoạn Người ven đô (live show Vươn tới tương lai)

Quá tam ba bận

Những người biết chuyện lại hiểu những giọt nước mắt của Vũ Luân còn mang theo nỗi tủi hờn của hai lần thi rớt giải triển vọng Trần Hữu Trang trước đó. Giờ đây, ngồi nhớ lại anh kể: “Ở cuộc thi đầu thì không nói làm gì vì lúc ấy tôi vừa trở về sau chuyến đi lưu diễn dài ngày ở Úc, thời gian chuẩn bị không đủ nên tham gia để “có tụ” là chính, không mong gì giải thưởng. Nhưng ở lần thứ hai, với tư thế của một diễn viên chính đang đắt “sô” ở nhiều sân khấu, tôi rất tự tin khi dồn sức cho vai Lục Vân Tiên.

Thật ra, đang được nhiều khán giả thương yêu nên tôi không ham hố gì, chỉ muốn qua cuộc thi khẳng định mình, nhưng không ngờ bị tuột huy chương nên tôi cảm thấy quá hụt hẫng. Sau buổi thi, tôi về nhà đóng cửa khóc một mình. Tôi thấy tương lai nghề nghiệp thế là sụp đổ và đã nghĩ đến chuyện bỏ hát. Đang chới với trong tuyệt vọng, bỗng chiếc điện thoại trên bàn réo lên.

Tôi chán nản định không bắt nhưng nó cứ réo liên tục đành với tay cầm lên, vừa “alô” đã nghe đầu dây bên kia oà tiếng khóc. Không phải một người mà hình như 2-3 người thay nhau giành điện thoại, ai cũng chưa kịp nói gì đã nức nở. Điện thoại vừa được gác xuống lại reo lên, mình chưa khóc, khán giả đã khóc trước. Cứ liên tục như vậy đến 4 giờ sáng. Trong tôi bỗng vọt ra câu hỏi: “Ủa, tại sao mình phải buồn!” Sáng hôm sau, tôi quyết định tiếp tục đi hát. Nhưng thú thật từ đó tôi “hờn”, không thiết tha gì đến giải Trần Hữu Trang nữa”.

Chuyện Vũ Luân giận, không tham gia các cuộc thi diễn viên triển vọng sau đó ít nhiều cũng khiến ban tổ chức thấy tiếc, tiếc cho anh và cho cả sân khấu cải lương. Nhưng vì sao năm nay Vũ Luân lại mau mắn tham gia? “Việc chuẩn bị kỹ càng và sự trải nghiệm đã cho tôi niềm tin cao ở lần này. Tôi muốn làm hết sức để có được món quà tinh thần về tặng mẹ lúc tuổi già. Mẹ tôi đã hi sinh cả cuộc đời cho gia đình, đã chăm sóc ba tôi suốt hơn mười năm trời nằm bệnh, đã nuôi nấng dạy dỗ bảy anh chị em tôi nên người.

Tôi bây giờ cũng đủ lớn để chấp nhận sự rủi ro, đã rớt rồi rớt nữa cũng không sao.” Vũ Luân đã vào vòng chung kết với vai Lê Quyết trong vở Trời Nam (tác giả Lê Duy Hạnh), một trung thần nhà Lê nhưng lại nhận ra chính nghĩa của Nguyễn Huệ. Ông đã chọn cái chết để giải quyết mâu thuẫn của đời mình. Vũ Luân đã giành được huy chương vàng với số phiếu tuyệt đối của cả hai hội đồng giám khảo: chuyên môn và báo chí.

Tiếng hát anh thợ sơn

Ba mẹ Vũ Luân đều là công nhân. Gia đình anh cư ngụ lâu đời ở khu Bà Quẹo (Q.Tân Bình, TP.HCM). Ngày trẻ, ba anh thường đi xa theo các công trình sửa chữa máy móc. Lúc về hưu, ông chuyển sang nghề may gia công. Cậu con áp út Lương Văn Bình tỏ ra là người có khiếu may vì anh rất khéo tay. Nhưng hàng may lúc có lúc không, anh theo người cậu làm thợ phụ sơn. Cuối tuần lãnh tiền công, bạn thợ rủ nhau đi “hát cho nhau” nghe mới phát hiện Lương Văn Bình có giọng ca hay nên khuyên anh đi học hát. Anh rất sáng trí, chỉ cần hát theo đĩa vài lần là đã thuộc gần nguyên tuồng.

NSƯT Vũ Luân

NSƯT Vũ Luân

Biết con có năng khiếu, mẹ anh đã âm thầm hỏi tìm thầy cho con học. Người thầy đó là nghệ nhân Út Trọn, một trong những người mở lò dạy ca cổ tại gia tuy âm thầm nhưng rất hiệu quả. Đã từng dạy nhiều học trò nhưng Út Trọn không giấu được sự ngạc nhiên khi chỉ mới truyền dạy có non tháng mà trò Bình đã thuộc rành “sáu câu”. Thầy nói: “Con ráng theo nghề vì con có giọng ca khỏe. Sau này tới thời con, khán giả sẽ tới coi bể rạp”. “Trời đất! – Vũ Luân nhớ lại – Mình mới biết ca có sáu câu, mà cũng chỉ muốn học cho biết chớ đâu dám có ý định đi đoàn hát, bởi bạn bè tôi thường nói muốn theo nghề phải là con nhà nòi, có người thân nâng đỡ, đưa lên thì mới lên được, mà gia đình tôi nào có ai đi cải lương”.

Nhưng mấy người bạn biết hơi ca của anh, không muốn tài năng của anh bị lãng phí nên rủ anh đi hát ở các quán nghệ sĩ, ở đám cưới. Anh đồng ý vì vừa được hát vừa được tiền. Và một trong những đám cưới đó đã đưa tiếng hát của anh tới tai một thực khách đặc biệt, đó là nghệ sĩ Bạch Long. Lúc ấy, Bạch Long đang dìu dắt nhóm Đồng Ấu, gồm những cô bé, cậu bé con các nghệ sĩ của hai đoàn cải lương tuồng cổ đã giải thể là Huỳnh Long và Minh Tơ.

Nhóm đang thừa đào mà thiếu kép nên phát hiện Lương Văn Bình, ông thầy Bạch Long liền dắt ngay về để đào tạo. Bỗng dưng được học một nghề mình ao ước bấy lâu mà không phải tốn đồng học phí nào, chàng thợ sơn học rất chăm chỉ. Người khác học vũ đạo thầy phải bẻ tay bẻ chân, còn anh chỉ cần thầy múa một đường, cầm kiếm chạy ngang qua một cái là anh làm theo được liền khiến thầy cũng thấy hào hứng, bao nhiêu bí quyết đều truyền lại một cách tận tình.

Đã học không tốn tiền, lại được thầy mau chóng cho ra diễn, hát chung với những ngôi sao nhỏ con nhà nòi như Trinh Trinh, Tú Sương và được họ hết sức giúp đỡ, chỉ vẽ từ cách “làm mặt thì bôi cái gì lên trước” cho đến mặc trang phục thì “đeo cây kiếm ở bên nào” khiến anh càng tự tin, bớt đi mặc cảm người ngoài nghề. “Thầy dạy tận tình mà không đòi hỏi gì. Nhiều khi tôi muốn mua quà tặng, thầy nói: con để tiền mua son phấn. Thầy Bạch Long không chỉ cho tôi một cái nghề mà còn cho tôi những bài học về đạo đức nghệ sĩ. Vì vậy, ngay từ những năm tháng buổi đầu đó, tôi đã tâm nguyện không bao giờ bỏ thầy, khi nào thầy không làm đoàn, tôi mới đi hát cho người ta. Tôi đã luôn giữ lời hứa đó”.

Nỗi niềm chân ngắn

Lúc ra nghề ở đoàn Đồng Ấu, đóng cặp với những cô đào có chiều cao khiêm tốn như Trinh Trinh, Tú Sương… Vũ Luân sánh vai xem ra cũng vừa đôi. Nhưng đến khi Đồng Ấu giải tán, được mời làm kép chánh bên cạnh những cô đào chân dài như Kim Thoa, Cẩm Tiên, Thùy Linh… đôi chân ngắn của Vũ Luân bỗng trở thành một “nỗi niềm” không nhỏ. “Khi được mời hát với những cô đào đã “cao cao” lại thường cộng thêm đôi guốc và cái đầu bới nhổng lên, tôi phải đi may đôi giày một tấc hai.

Diễn tuồng xã hội còn đỡ, chớ tuồng chưởng như Cô gái Đồ Long, nhân vật Trương Vô Kỵ phải múa kiếm là một điều rất khó khăn cho tôi. Ai nhìn thấy tôi múa trên đôi giày đó cũng thót tim nhưng hên là tôi chưa bao giờ bị té”. Vũ Luân đã phải cất công chế ra nhiều kiểu, bỏ đi mấy chục đôi giày, thử qua năm cửa tiệm mới tìm được một chỗ đóng giày ưng ý nhất. Ông chủ tiệm giày nào “bị” anh ghé đến đều phải trải qua những cuộc thử thách tay nghề. “Cuộc chiến” với đôi chân ngắn của anh đến nay đã tạm yên. Anh đã định hình được kiểu giày phù hợp, có thể cầm kiếm bay qua bay lại nhẹ nhàng. Chuyện khắc phục đôi chân ngắn cũng đem lại cho anh nhiều trải nghiệm, là cái cớ để Vũ Luân thể hiện phẩm chất vượt khó của mình. “Nếu đủ thước tấc thì hay hơn nhưng đó cũng không phải là cái gì lớn. Lâu nay cô đào nào hát với Luân cũng tự động hạ chiều cao giày và không bới đầu”.

Trước kiếm tiền, nay kiếm nghề

Đang rất đắt sô, mỗi lần đi tỉnh hát đều mang về cả vali tiền, năm 2001 bỗng dưng Vũ Luân quyết định “dừng bước giang hồ”, về trụ ở TP.HCM, đứng mũi chịu sào một đơn vị của Nhà hát Trần Hữu Trang. Trong sáu năm, đoàn của anh đã dựng và diễn liên tục được 20 vở ở rạp Hưng Đạo. Vào trung tuần tháng mười một tới đây, anh khai trương rạp mới tại sân khấu 179 trên đường Bình Thới thuộc Trung tâm văn hóa quận 11 bằng nhiều vở mới đang trên sàn tập với sự cộng tác của các nghệ sĩ nhiều thế hệ như Diệp Lang, Bạch Tuyết, Diệu Hiền, Ngọc Giàu, Kim Ngọc…

“Thời đi hát sô, giàu tiền nhưng lại nghèo nghề. Nhận một lời mời, tôi chỉ cần học vai tuồng qua cassette rồi xuống tỉnh ráp với các bạn diễn. Chỉ toàn tuồng cũ nhai lại nên nếu đi hoài, nghề mình sẽ mai một. Về Sài Gòn dựng tuồng mới, có được những vai mình thích, được học thêm nghề với đạo diễn giỏi, với các cô chú bậc thầy nên tôi mới có được những vai như Từ Hải Thọ (giải diễn viên tài sắc 2004), Ngô Phù Sai (giải Mai vàng 2004), Lê Quyết (giải diễn viên xuất sắc Trần Hữu Trang 2007)…”.

20 năm qua, từ một chàng thợ sơn, nhờ nỗ lực vượt bậc, Vũ Luân đã trở thành một ngôi sao thật sự tỏa sáng trên sân khấu cải lương. “Nhờ cải lương tôi đã xây được nhà, mua được xe, lo được cuộc sống cho anh chị em trong gia đình, bây giờ là lúc tôi phải đi sâu vào nghề để trả cái ơn lớn lao này cho tổ nghiệp”.

Nghệ danh “ăn theo”

Nghe cái tên Vũ Luân, không ít người tò mò muốn biết có phải do anh muốn “ăn theo” tên tuổi của nghệ sĩ đàn anh Vũ Linh hay không. Nhưng sự thật, nghệ danh này không do anh chọn mà do thầy Bạch Long đặt cho. “Lúc chuẩn bị cho tôi ra hát, thầy Bạch Long hỏi tôi muốn lấy nghệ danh gì, thấy tôi lúng túng, thầy nói luôn: “Thôi con lấy tên Vũ Luân đi vì thầy thấy con có nhiều nét giống Vũ Linh”.

Rồi như để nhấn mạnh thêm, thầy tiếp: “Vũ Luân – Vũ Linh giống như Lê Lai – Lê Lợi vậy mà!”. Lúc đó, tôi mới đi hát, thầy nói sao nghe vậy. Sau này có mấy bầu sô kêu tôi đổi tên vì “Luân” khó kêu quá nhưng tôi không chịu. Thật tình tôi rất hãnh diện vì được đi chung một phái nghệ thuật với nghệ sĩ Vũ Linh.

Tuồng cổ có những qui tắc căn bản nhất định, khi mình hát mà có người đi trước giỏi giang để mình học hỏi như nghệ sĩ Vũ Linh là điều may mắn. Ông là một người đa năng, đóng tuồng cổ, tuồng xã hội, kép độc, kép mùi, vai lão, vai trẻ đều được, ca hay, múa giỏi, kết hợp nhuần nhuyễn ca trong diễn, diễn trong ca nên được chút gì giống ông cũng là điều vinh dự. Ông từng nhận tôi làm con nuôi và từng cho tôi đóng vai con ông trong một số tuồng khi tôi còn ở Đồng Ấu nhưng tôi không chủ trương trở thành một bản sao của “ba Linh” mà muốn học lấy cái hay của tất cả những cô chú nghệ sĩ đi trước và tìm ra cho mình một lối đi riêng”.

CÁT VŨ


5/5 - (2 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *