Nghệ thuật cải lương trong thời đại số – Bài 1: Cải lương thật và đẹp

Nghệ thuật cải lương trong thời đại số – Bài 1: Cải lương thật và đẹp

Chưa phân loại
12/01/2020
546 Lượt xem

Cải lương là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc ở vùng đất Nam Bộ. Trải qua hơn 100 năm kể từ khi ra đời, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, để tồn tại và phát triển, có vị trí lâu bền trong lòng khán giả, nghệ thuật cải lương đang đứng trước nhiều thách thức.

Trích đoạn vở cải lương "Thầy Ba Đợi". Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Trích đoạn vở cải lương “Thầy Ba Đợi”. Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật sân khấu, trong quá trình khẩn hoang, hình thành vùng đất Nam Bộ, cư dân miền đất mới này đã sáng tác ra hai loại hình nghệ thuật độc đáo, đó chính là nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương. Trải qua hơn 100 năm lịch sử, cải lương đã trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân không chỉ ở vùng đất Nam Bộ mà có sự lan tỏa ra cả nước.

Loại hình nghệ thuật đặc sắc

Cải lương là loại hình nghệ thuật có sự tổng hợp của hát bội, đờn ca tài tử và chịu ảnh hưởng của kịch nghệ phương Tây. Theo năm tháng, loại hình nghệ thuật này đã có những biến cải về nội dung tuồng tích, điệu ca, lời hát cho đến cách thức bài trí sân khấu… Song, có thể khẳng định, dù có thay đổi, cải tiến đến đâu thì những giá trị cốt lõi của nghệ thuật cải lương như tính trữ tình, nét bi, sự khôi hài… vẫn tồn tại trong nhiều vở diễn kinh điển của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thuật ngữ cải lương mang ý nghĩa là “cải cách và sửa đổi cho trở nên tốt hơn”. Cải cách, sửa đổi ở đây chính là hướng đến sự phát triển của nghệ thuật sân khấu ở Nam Bộ vừa mang đậm nét truyền thống, vừa theo kịp đà phát triển của văn minh. Điều này thể hiện qua hai câu đối: “Cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

Có thể nói, sự ra đời nghệ thuật sân khấu cải lương là kết quả của quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa Việt Nam và Pháp, giữa loại hình nghệ thuật truyền thống vốn phổ quát ở miệt vườn Nam Bộ là đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu kịch thoại của Pháp. Quá trình giao lưu văn hóa này đã hòa quyện một cách sâu đậm vào dòng văn hóa Nam Bộ đến mức khi khán giả xem một vở cải lương thì không còn phân biệt đâu là sự ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp. Ở Nam Bộ, cải lương thật sự đã trở thành một loại hình nghệ thuật hấp dẫn với nội dung cốt truyện và lối diễn xuất của nghệ sỹ phù hợp tâm tư, nguyện vọng, lối sống phóng khoáng của người dân phương Nam.

Cũng theo Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan, trong cuốn Hồi ký 50 năm mê hát, học giả Vương Hồng Sển từng cho rằng, cải lương chính thức đến với công chúng Nam bộ vào ngày 16/11/1918 khi vở “Gia Long tẩu quốc” được trình diễn tại Nhà hát Tây Sài Gòn. Dấu mốc lịch sử này được xem như ngày ra đời của nghệ thuật cải lương Nam bộ.

Còn nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc-người vừa cùng một nhóm nghiên cứu phỏng vấn, ghi lại những kỷ niệm và hồi ức về nghệ thuật cải lương của các nghệ sỹ trong khuôn khổ dự án Di sản kết nối do Hội đồng Anh thực hiện tại Việt Nam, chia sẻ: Nghệ thuật cải lương ra đời xuất phát từ lòng yêu nước của những người dân phương Nam muốn nước nhà có một nền nghệ thuật biểu diễn riêng, đặc sắc… Nghệ thuật cải lương đúng là một hình thức văn hóa độc đáo như Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thành Châu (Năm Châu)-một trong những nghệ sỹ cải lương bậc thầy từng nói: Cải lương thật và đẹp.

Những ký ức không thể phai mờ

Nghệ thuật sân khấu cải lương được hình thành từ năm 1918 và đã từng bước phát triển bằng sự đóng góp tâm huyết của nhiều thế hệ nghệ sỹ, những trí thức nho học, tây học yêu thích tuồng tích cổ xưa nhưng muốn nó được cách tân, những doanh nhân mộ điệu thành lập các đoàn hát riêng để vừa thường thức nghệ thuật vừa kinh doanh và trên hết là các thế hệ khán giả yêu thích nghệ thuật cải lương Nam Bộ.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân, đạo diễn Trần Minh Ngọc (nguyên Hiệu trưởng Trường nghệ thuật sân khấu 2, nay là Trường Đại học Sân khấu và điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh), giai đoạn 1955 – 1975 được giới sân khấu coi là thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương. Sở dĩ có sự đánh giá cao này là do đây là thời kỳ nghệ thuật cải lương đạt được tất cả mọi tiêu chí của nghệ thuật trình diễn như kịch bản có nội dung tốt được viết bởi những tác giả rất giỏi. Diễn viên hát rất hay do được dàn nhạc tài hoa hỗ trợ và khán giả rất say mê, mộ điệu hết lòng ủng hộ nghệ sỹ. Đội ngũ sáng tạo đàn anh như Nghệ sỹ Nhân dân Năm Châu, Mộng Vân, Lê Hoài Nở, Tư Chơi, Tư Trang vẫn tiếp tục sáng chói trong giai đoạn này cùng với đông đảo các soạn giả trẻ, nhiệt tình, năng động, bút lực dồi dào như Viễn Châu, Kiên Giang, Hà Triều – Hoa Phượng, Thu An, Quy Sắc, Thiếu Linh, Ngọc Linh… đã tạo nên những kịch bản hay về nội dung, đậm chất nhân văn và triết lý sâu sắc. Hàng trăm vở cải lương tiêu biểu đã làm nên tên tuổi các nghệ sỹ như Thanh Nga, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Kim Cúc, Ngọc Giàu, Diệp Lang, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Tòng, Thanh Kim Huệ.

Nhấn mạnh sức lan tỏa của nghệ thuật cải lương không chỉ ở vùng đất Nam Bộ, Nghệ sỹ Ưu tú, đạo diễn Ca Lê Hồng (Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, tuy khởi nguồn từ vùng đất phương Nam, mang hồn cách đặc sắc riêng của miền đất phù sa hiền hòa, từ giọng ca đầy sức truyền cảm cho đến âm điệu luyến láy ngọt ngào, song sân khấu cải lương không chỉ được công chúng phía Nam hâm mộ mà đã có sức lan tỏa khắp cả nước.

Từ những năm 30 của thế kỷ trước đã có những đoàn cải lương lưu diễn từ miền Nam ra miền Trung cho đến miền Bắc. Sau những đợt lưu diễn, một số nghệ sỹ đã trụ lại một thời gian dài ở Hà Nội để truyền nghề. Từ đó, sân khấu cải lương Nam Bộ được nhiều nghệ sỹ miền Bắc tiếp nhận, xây dựng nên các đoàn Cải lương Bắc như: Chuông Vàng, Kim Phụng, Liên đoàn Cải lương Khu 4…; một số nghệ sỹ đã thành danh như: Sỹ Tiến, Kim Chung, Ái Liên… Từ sau ngày Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, đất nước chia cắt, sân khấu cải lương tồn tại và hoạt động trong hai hoàn cảnh khác nhau. Tại miền Bắc, các văn nghệ sỹ cải lương miền Nam tập kết được tập hợp để thành lập Đoàn Cải lương Nam Bộ, đại diện cho sân khấu cải lương Nam Bộ trên đất Bắc.

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, các nghệ sỹ cải lương tập kết trở về miền Nam, cùng với một số nghệ sỹ cải lương trong đoàn Văn công Giải phóng, hợp thành Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) dựng nhiều vở diễn tiêu biểu như: Nàng Xê đa, Hòn đảo thần vệ nữ, Rạng ngọc Côn Sơn, Thái hậu Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga…

Theo Thạc sỹ Phạm Thái Bình (Trung tâm Văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh), sau năm 1975, hầu hết các tỉnh, thành phố phía Nam đều thành lập các đoàn nghệ thuật cải lương như: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (Thành phố Hồ Chí Minh), Đoàn Cải lương Võ Thị Sáu (Đồng Nai), Đoàn Cải lương Tây Đô (Cần Thơ), Đoàn Cải lương Hương Tràm (Cà Mau)… Nhiều hội diễn, liên hoan sân khấu cải lương cũng đã được tổ chức quy mô, phục vụ công chúng yêu nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Bài cuối: Phát huy vai trò của cộng đồng

Thanh Trà (TTXVN)


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *