Nguyễn Hữu Cảnh – Dấu ấn đầu tay của Chuông vàng vọng cổ

Nguyễn Hữu Cảnh – Dấu ấn đầu tay của Chuông vàng vọng cổ

Chưa phân loại
29/09/2020
536 Lượt xem

(CLV) – Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vừa đầu tư dàn dựng và ra mắt vở cải lương lịch sử Nguyễn Hữu Cảnh. Đây cũng là bài thi tốt nghiệp lớp đạo diễn K1, hệ vừa học vừa làm của nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường, Chuông vàng vọng cổ 2014.

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vừa đầu tư dàn dựng và ra mắt vở cải lương lịch sử Nguyễn Hữu Cảnh (tác giả: Phạm Dũng, chuyển thể cải lương: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: Nguyễn Minh Trường), với sự tham gia biểu diễn của NSƯT Lê Tứ, các nghệ sĩ Nhã Thy, Hà Như, Tô Tấn Loan, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Văn Hợp, Cao Mỹ Châu, Trọng Hiếu, Trúc Phương, Chí Dũng, Bá Vương… Đây cũng là bài thi tốt nghiệp lớp đạo diễn K1, hệ vừa học vừa làm của nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường, Chuông vàng vọng cổ 2014.

Nguyễn Hữu Cảnh là một tác phẩm cải lương đề tài lịch sử, nói về nhân vật Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, danh tướng tài giỏi thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là vị tướng mở cõi Nam bộ với việc xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Đồng Nai, Gia Định vào năm 1698… Với quan điểm của người trẻ làm nghệ thuật, đạo diễn Nguyễn Minh Trường đã chọn một góc nhìn mới về một giai đoạn lịch sử để xây dựng thành tác phẩm sân khấu nhiều kịch tính, trong đó, các tuyến nhân vật trung – gian, ta – địch, người hiền lành chân chất – kẻ mưu lược đầy toan tính, luôn xuất hiện song hành, đối kháng, tạo nên những cuộc đối thoại, đấu trí căng thẳng. Bên cạnh đó, tác phẩm còn phản ánh những góc nhỏ bình lặng trong tâm hồn, khát khao sự bình yên cho quê hương, mong mỏi niềm hạnh phúc giản đơn bên gia đình, người thân, người yêu… của mỗi người con đất Việt.

Dưới ánh đèn sân khấu, nhân vật trung thần Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng là vị tướng tài anh hùng, kiên trung, trí tuệ. Tấm lòng trung quân, nhân hậu của ông đã chiêu phục được nội gián của vua Chân Lạp, phá tan âm mưu “mỹ nhân kế”, áp dụng kế sách binh cơ hữu hiệu để giành chiến thắng trong trận đánh xáp lá cà với địch.

Theo dõi vở diễn, đông đảo khán giả đã cổ vũ nồng nhiệt bằng nhiều tràng pháo tay tán thưởng nghệ thuật ca diễn đẹp và ngọt ngào của NSƯT Lê Tứ trong vai Nguyễn Hữu Cảnh, nghệ sĩ Nhã Thy vai mỹ nữ Huyền Thu của vùng đất Chân Lạp, nghệ sĩ Tô Tấn Loan vai diễn Nguyễn Phúc Kinh – anh trai của Chúa Nguyễn Phúc Chu…

Sự thành công của vở diễn Nguyễn Hữu Cảnh còn nhờ sự giúp sức nhiệt tình của dàn nghệ sĩ kỳ cựu, giỏi nghề của sân khấu thành phố: soạn giả Hoàng Song Việt trong vai trò biên tập; NSND Trần Ngọc Giàu chăm chút cảnh trí, âm thanh, ánh sáng; NSƯT Hồ Văn Thành nghiên cứu các chất liệu âm nhạc Phù Nam, Chân Lạp, Khmer, Thái Lan, Malaysia để sáng tạo âm nhạc độc đáo và rất riêng cho vở; NSƯT Lê Trung Thảo biên đạo, dàn dựng các bài múa dân tộc truyền thống, đậm chất vùng miền Nam bộ…

THÚY BÌNH


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *