Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ về vở cải lương mới “Truyền thuyết Triệu Trinh Nương”

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ về vở cải lương mới “Truyền thuyết Triệu Trinh Nương”

Chưa phân loại
13/09/2019
634 Lượt xem

(CLV) – Sau vở cải lương “Vì sao lạc xứ” được công chúng và giới làm nghề đánh giá cao, mới đây, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng vừa có thêm kịch bản mới ra lò.

Sau vở cải lương “Vì sao lạc xứ” được công chúng và giới làm nghề đánh giá cao, mới đây, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng lại có một kịch bản vừa được Đoàn Cải lương Hoa Mai – Nhà hát Cải lương Hà Nội đưa lên sàn tập. Đó là Vở cải lương “Truyền thuyết Triệu Trinh Nương” do NSND Hoàng Quỳnh Mai làm đạo diễn, kể về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nữ anh hùng hiển hách nhất lịch sử nước nhà – Bà Triệu…

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng

– Chào nhà văn Nguyễn Toàn Thắng. Xin ông cho biết ông đã sáng tác kịch bản “Truyền thuyết Triệu Trinh Nương” như thế nào?

– Cách đây nhiều năm, trong một lần đi công tác, tự nhiên tôi nhìn thấy ngôi đền của bà ở ven đường quốc lộ. Bản thân mê lịch sử và luôn giữ trong mình niềm kính phục với tiền nhân, tôi vào thắp hương Bà. Lúc ấy, trong lòng nghĩ là sau này sẽ viết một kịch bản về cuộc đời của Bà. Rồi thời gian cứ trôi, phần vì bận nhiều công việc, phần vì chưa tìm được mạch kịch, tôi cứ lần lữa bỏ qua. Đến trước Tết âm lịch, tôi hạ quyết tâm phải viết, hay hay dở cũng phải viết ra.

Nhưng cũng phải nói thêm là, sáng tác kịch bản sân khấu về các anh hùng dân tộc luôn là thách thức lớn, nhất là với Bà Triệu. Vì cuộc đời của bà quá anh hùng, thế nhưng tư liệu để lại không nhiều. Tất nhiên, đó không phải là thách thức quá lớn đối với tôi, nhưng vì thói quen của chúng ta là muốn câu chuyện kịch phải không sai lệch so với lịch sử nhưng lại phải có những điều mới lạ và hấp dẫn, chính vì vậy sau một thời gian nghiền ngẫm, tôi đã tìm ra cách kể chuyện riêng của mình. Tôi viết kịch bản này đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, bỏ hết các kế hoạch du xuân, vì chỉ sợ cảm hứng và mạch kịch trôi đi mất. Nghề viết luôn có những cực nhọc như vậy, nhưng là cực nhọc thú vị. Tôi chọn giai đoạn Bà Triệu phất cờ khởi nghĩa để nói về khí phách của phụ nữ Việt Nam, thế nhưng, trong kịch bản, có đủ sự giằng xé giữa tình nhà và nợ nước. Tất nhiên, tôi sẽ không kể về nội dung vở diễn, để dành sự thú vị cho người xem.

– Để dung hoà giữa chính sử và sự sáng tạo, nhà văn đã phải làm thế nào?

– Điều này quả thật rất khó, như đi trên dây vậy. Phương pháp của tôi là giữ các mốc lịch sử như chúng ta đã từng biết, rồi thêm vào đó những câu chuyện chồng chéo đan xen, để làm sao tất cả bùng nổ ở cái mốc đó. Trong vở diễn này, mốc là cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, vậy tất cả các nhân vật đều phải tiến đến cái mốc đó theo cách của mình. Ngoài ra, khi đọc trong sử có nói người chị dâu của Bà Triệu – vợ ông Triệu Quốc Đạt là người ngang ngược, ngay lập tức tôi nghĩ đến việc nối chuyện đó vào nội dung kịch, làm dày dặn thêm câu chuyện mà vẫn không sai lệch so với những gì chúng ta đã biết.

Đây là cách kể chuyện cổ điển, nếu kể không khéo chỉ như minh hoạ lại những gì đã biết, vì thế tôi đã phải nâng lên đặt xuống rất nhiều. Đến lúc đặt chữ Hết cho kịch bản, tôi đã thở phào nhẹ nhõm. Là bởi kịch bản này với tôi như một món nợ với tiền nhân, với những người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc ngày hôm nay có hình hài như vậy. Nhất là với Bà Triệu, một vị nữ anh hùng đã quá quen thuộc với bất cứ người Việt nào. Nếu viết không tốt, là có tội với tiền nhân.

Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ về vở cải lương mới Truyền thuyết Triệu Trinh Nương

-Tại sao ông chọn cải lương làm nơi gửi gắm đứa con tinh thần của mình?

– Cũng là từ duyên. Trong một lần nói chuyện với NSƯT Hoàng Thu Hoài, trưởng đoàn Cải lương Hoa Mai, tôi có kể về kịch bản này. Chị Hoài muốn đọc, và sau khi đọc xong có nói với tôi rằng chị rất xúc động và khi đọc đã khóc ít nhất hai lần. Điều này làm tôi thấy vui, bởi kịch bản của mình đã tìm được sự đồng cảm của đoàn biểu diễn. Chỉ riêng điều đó đã khiến tôi thấy kich bản của mình đã tìm được nơi gửi gắm xứng đáng. Đoàn Cải lương Hoa Mai là một trong những đoàn cải lương có truyền thống nhất miền Bắc, có nhiều nghệ sỹ tài năng và rất tận tâm với nghề cho dù ngày hôm nay cải lương không còn huy hoàng như những thập kỷ trước đây. Hôm khởi công, các bạn diễn viên cũng đã hát một vài bài ca trong vở, tuy chưa thật nhuyễn do mới vỡ bài ca, nhưng đã làm cho tôi thấy tin tưởng vào chất giọng đẹp và mang hương vị cải lương Bắc.

– Ngày hôm nay, rõ ràng cải lương và sân khấu truyền thống nói chung đang mất dần khán giả. Là người tâm huyết với nghề, ông nhìn nhận thế nào về việc này?

– Mọi sự vật trên đời đều có thăng có trầm. Là nhà viết kịch, tôi chỉ biết làm tốt nhất công việc của mình. Đó là dù viết cho sân khấu dân tộc và viết bằng chất liệu lịch sử, vẫn phải đảm bảo tính hấp dẫn. Rõ ràng vẫn là đề tài lịch sử, mà văn học nghệ thuật của các nước khác vẫn hấp dẫn, vẫn đạt doanh thu cao đó thôi. Vậy nên, tôi luôn đặt tính hấp dẫn bên cạnh các tiêu chí khác. Câu chuyện phải nhanh, có tiết tấu, chuyển biến liên tục để khán giả khi đến rạp có cái mà xem, mà theo dõi, tránh cảnh cứ hai người nam nữ ra hát chia tay bồi hồi đến hàng chục phút. Vẫn giữ chất tự sự trữ tình của sân khấu dân tộc, nhưng phải có tiết tấu nhanh và nhất là, những hành động kịch trong đó phải làm cho khán giả liên tưởng đến chuyện của ngày hôm nay.

Khi viết, tôi luôn đặt mình ở vị trí khán giả xem cái này mình có thích không, câu thoại này chơi chữ liệu có làm khán giả cười vui vẻ được không, hành động này đã đủ mạnh để gây phẫn nộ chưa. Nhiều lúc, tôi tính toán như thể đang giải phương trình chứ không còn là sáng tác nữa. Bởi vì, nếu cứ mải chạy theo cảm xúc của mình, nhiều khi, người viết trở nên ảo tưởng và cứ thế ra rời với nhu cầu thực của người xem. Cần nhất là phải cân bằng hai cái đó, điều mình tâm đắc muốn viết ra và điều khán giả muốn xem.

– Xin cảm ơn nhà văn và xin chúc cho vở cải lương “Truyền thuyết Triệu Trinh Nương” sớm ra mắt thành công.


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *