Nhớ thời hoàng kim của cải lương

Nhớ thời hoàng kim của cải lương

30/10/2018
783 Lượt xem

(CLV) – Trong thời đại gameshow nở rộ, ngành nghệ thuật cải lương như một bà già lọm khọm, lề mề, cố chấp không chịu đổi mới, đang dần bị lãng quên.

Những người còn nhớ về một thời hoàng kim của bộ môn nghệ thuật đặc trưng Nam Bộ, năm nay ít nhất cũng đã ngoài 40 tuổi.

Chúng tôi đăng tải bài viết này, gợi nhớ một trời kỷ niệm của một thế hệ, nhớ về những tháng ngày đất nước còn khó khăn, cải lương trở thành món ăn tinh thần “chủ lực”. Quê nghèo, nhà tranh vách lá, đêm đêm đốt đèn dầu, tuổi thơ của nhiều người gắn liền với những tuồng cải lương.

Một cảnh trong vở tuồng "Ngao sò ốc hến" kinh điển được khán giả xem truyền hình yêu thích thời đó

Một cảnh trong vở tuồng “Ngao sò ốc hến” kinh điển được khán giả xem truyền hình yêu thích thời đó

Tivi trắng đen là của hiếm, cải lương là số 1

Đất nước trong giai đoạn bao cấp, chỉ có tivi đen trắng, nhà khá giả lắm mới sắm nổi. Đi hàng cây số, mới có nhà có tivi.

Điện đóm không có, tivi phải xài bình ắc quy. Chiều thứ Bảy, đài Cần Thơ chiếu cải lương, từ sáng sớm người ta tranh thủ chở bình đi sạc, chạng vạng đầy điện, mới đi lấy về.

Trời sẩm tối, đàn bà, con gái, con nít… làm đồng về, tắm rửa sạch sẽ, tranh thủ ăn cơm sớm, háo hức kéo đến nhà có tivi, chờ coi các nghệ sĩ tài sắc: Minh Phụng, Út Bạch Lan, Kim Ngọc, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Vương, Phượng Liên, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Giang Châu, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Thanh Nguyệt… sắm tuồng.

Ai có xuồng thì bơi xuồng. Xuồng chen chút, đậu kín bến sông của gia chủ sở hữu chiếc tivi. Trên tay ai cũng cầm sẵn bó đuốc lá dừa, vãn tuồng đốt để soi đường về nhà.

Cố NSƯT Thanh Nga rất được người miền Tây yêu thích

Cố NSƯT Thanh Nga rất được người miền Tây yêu thích

Bà con kéo đến chật khoảnh sân vương đầy hoa cau, thoang thoảng mùi hương. Chủ nhà niềm nở mang ghế đẩu ra cho mọi người ngồi. Ghế không đủ thì khách có thể tự nhiên phủi chân leo lên đi văng, nằm coi chung với gia chủ…

Kéo tấm vải trùm kín màn hình chiếc tivi, chừng 14 inch (do tivi là tài sản quý nên người ta trùm khăn, sợ bụi bặm). Hai chiếc càng cua cắm vào bình ắc quy. Màn hình đầy “hột”, âm thanh lè rè bắt đầu hiện những hình ảnh. Có khi ông chủ nhà sai thằng con chạy ra bên hông nhà, ôm thân cây tre xoay xoay cho Ăngten quay đúng hướng, để nhận được hình ảnh rõ hơn.

NSND Bạch Tuyết và Minh Vương trong một phân cảnh vở tuồng Đời cô Lựu nổi tiếng

NSND Bạch Tuyết và Minh Vương trong một phân cảnh vở tuồng Đời cô Lựu nổi tiếng

Khán giả say mê cặp đôi tài sắc Thanh Nga – Thanh Sang tình tứ, lưu luyến trong phân cảnh “Mê Linh biệt khúc” (Tiếng trống Mê Linh). Há hốc mồm nghe Minh Phụng lấy hơi ca câu vọng cổ dài thậm thượt, mùi mẫn trong vai Áo vũ cơ hàn (Tâm sự loài chim biển). Sụt sùi thương cảm cho cô Nguyệt của Lệ Thủy (Tô Ánh Nguyệt). Chửi đổng ông Hội đồng Thăng nham hiểm của Diệp Lang, xót xa cho cô Lựu của cô Bạch Tuyết, cười ngả nghiêng với tính đoảng của cô Bảy cán vá của cô Ngọc Giàu (Đời cô Lựu). Cười đó, khóc đó với vai Điểu vì tính cục mịch, quê mùa, ham thích đậu chếnh bài tứ sắc, bỏ bê mẹ già của NSƯT Kim Ngọc (Tình mẫu tử)…

Đèn dầu lu mù. Ánh sáng lấp lóe từ tivi, nhá nhem, phảng phất những ánh mắt say sưa.

Cố NSƯT Kim Ngọc và con trai, diễn viên Hiếu Hiền

Cố NSƯT Kim Ngọc và con trai, diễn viên Hiếu Hiền

Bực nhất là những “bà tám” đã coi nhiều lần một tuồng cải lương nào đó, thuộc nằm lòng. Để chứng tỏ mình rành cải lương, tuồng chưa tới cảnh, ngồi kế bên hay lanh chanh kể trước, gây mất hứng cho người chưa xem.

Rồi OK nghĩ chơi vs quảng nam. Hết dịch nếu còn sống mình chơi lại

Rồi OK nghĩ chơi vs quảng nam. Hết dịch nếu còn sống mình chơi lại

Thời đó, người nghệ sĩ lung linh, thần thánh trong mắt khán giả lắm, không như bây giờ. Khán giả chỉ được xem qua truyền hình, chứ ít có dịp được xem tận mắt bằng xương, bằng thịt trên sân khấu. Phần vì giá vé mắc, phần thì những nơi khỉ ho cò gáy, ít khi những đoàn hát có ngôi sao danh tiếng chịu về biểu diễn.

Thỉnh thoảng mới có đoàn hội chợ nhỏ, cũng lèo tèo vài nghệ sĩ không tên tuổi, người dân cũng chẳng mặn mà. Cho nên mới có giai thoại những đoàn hát kiểu hội chợ về quê hát, không bán được vé, đêm khuya nghệ sĩ rũ bỏ mũ mão, hoàng bào, cung điện… cầm đèn dầu đi soi ếch, nhái về nấu cháo cầm hơi.

NSND Ngọc Giàu ghi dấu ấn với khán giả qua vai diễn "Cô Bảy cán vá" trong vở tuồng Đời cô Lựu

NSND Ngọc Giàu ghi dấu ấn với khán giả qua vai diễn “Cô Bảy cán vá” trong vở tuồng Đời cô Lựu

Cải lương đã thật sự bị lãng quên

Thế hệ nghệ sĩ tài danh của cải lương, người thì đã nằm xuống, người thì già yếu, không còn hơi để ca, một số vẫn còn vương vấn nghề đi mang câu ca vọng cổ đến các quán nhậu. Tre già nhưng măng chưa mọc, hoặc không dám mọc vì mảnh đất cải lương đã khô cằn sỏi đá.

Các chương trình truyền hình, đại nhạc hội, không còn thấy tiết mục trích đoạn cải lương. Bao năm nay, đài truyền hình HTV là nhà đài hiếm hoi vẫn có tâm, cố níu kéo, có khát vọng vực dậy cải lương bằng các chương trình: Vầng trăng cổ nhạc, Đường đến danh ca vọng cổ, Chuông vàng vọng cố… cũng không ăn thua.

Nghệ sỹ Minh Phụng và con gái Y Phụng lúc cô 4 tuổi

Nghệ sỹ Minh Phụng và con gái Y Phụng lúc cô 4 tuổi

Giới trẻ không còn mặn mà, thậm chí một số không bao giờ chịu ngồi xem một tuồng cải lương. Chúng chỉ thích nhạc trẻ sôi động, phim Hàn… không thích sự lề mề, chậm chạp vốn có của bộ môn nghệ thuật này.

Còn chăng, chỉ là một thời hoàng kim của cải lương nằm trong ký ức những thế hệ khán giả không còn trẻ. Sẽ là điều đáng tiếc.

Lúc sinh thời, NSND Phùng Há, người thuộc thế hệ tiên phong của cải lương trăn trở: “Nhìn cải lương chết dần, chết mòn, mai một… tôi xót xa lắm. Cải lương phải có sự đổi mới mới kịp thời đại”.

NSND Phùng Há thời trẻ

NSND Phùng Há thời trẻ

Hiện nay, ở miền Tây, mỗi khi chờ đợi ai đó trễ hẹn, người ta vẫn còn nói câu: “Tao đợi mày mút mùa Lệ Thủy luôn”, ý so sánh thời gian chờ dài cổ như hơi ca vọng cổ của NSND Lệ Thủy. Ôi một thời hoàng kim của cải lương nay còn đâu?

Trích đoạn Mê Linh biệt khúc của đôi nghệ sĩ tài sắc Thanh Nga – Thanh Sang:


5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *