Níu người trẻ trở lại với cải lương

Níu người trẻ trở lại với cải lương

10/02/2022
762 Lượt xem

(CLV) – “Cải lương đang hấp hối”. “Cải lương lạc hậu, thụt lùi trong nhịp sống hôm nay”. “Cải lương đã hết thời”… Đó là hàng loạt nhận định tiêu cực của số đông khi nói về cải lương bây giờ. Thế nên khi vở cải lương hay các sự kiện, dự án liên quan đến cải lương xuất hiện hàng loạt gương mặt trẻ ở cả vị trí chủ tọa lẫn khán giả, ai nấy không khỏi ngạc nhiên…

Để có được những tín hiệu vui đó là cả hành trình dài đầy nhọc nhằn, gian nan. Bởi ai cũng biết, các bạn trẻ được coi là đối tượng khán giả khó tính nhất của sân khấu cải lương. Trong một cuộc khảo sát nhanh, Tiến sĩ Đào Lê Na, Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu – Điện ảnh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh đã tìm ra rất nhiều nguyên nhân khiến giới trẻ không mấy hào hứng với loại hình nghệ thuật này.

Thứ nhất, giữa vô vàn các loại hình nghệ thuật khác hấp dẫn, sinh động, cải lương tỏ ra ít cuốn hút về khâu kịch bản lẫn hình ảnh, kỹ xảo. Thứ hai, nhịp sống năng động gấp gáp khiến giới trẻ thời nay thường ưu tiên cho cái gì nhanh nhạy chứ không thích rề rà, chậm chạp. Trong khi đó, thời lượng để xem một vở cải lương khá dài, thông thường khoảng ba đến bốn tiếng. Họ khó có đủ kiên nhẫn. Thay vì xem cải lương, họ chọn xem phim ở rạp, chỉ mất tối đa hai tiếng là xong.

Nam ca sỹ trẻ Isaac trong "Song lang" (2018), bộ phim tái hiện thời kỳ vàng son của nghệ thuật cải lương Việt Nam. (Ảnh: CGV)

Phim “Song Lang” giúp quảng bá nghệ thuật cải lương đến đông đảo khán giả trẻ.

Ngoài ra, có quá ít các vở cải lương bám sát đời sống hiện nay nên người trẻ không tìm thấy mình trong đó. Hơn 100 tuổi đời, cải lương bỗng trở thành ông lão lụ khụ, kể lể hoài những chuyện cũ xa lắc xa lơ. Vấn đề diễn viên cũng là một điểm trừ khiến người trẻ thờ ơ với cải lương. Do có quá ít diễn viên trẻ nên nhiều vai nam thanh nữ tú 18, đôi mươi đều do cô chú 40, 50 tuổi kiêm nhiệm. Kiểu “cưa sừng làm nghé” này khiến khán giả cảm thấy vở diễn gượng gạo, không thật, thậm chí là buồn cười.

Cũng có người thừa nhận, đôi khi tò mò thử vào xem cải lương nhưng chỉ được vài ba phút là thấy hoa mắt chóng mặt vì không hiểu lắm. Vậy là họ bỏ qua, coi cái khác cho nhẹ đầu. Chúng ta luôn miệng chê bai thị hiếu công chúng thấp kém, kêu ca họ thờ ơ với nghệ thuật chất lượng cao (đặc biệt là nghệ thuật truyền thống và hàn lâm) nhưng rõ ràng làm sao đòi hỏi cao được khi bản thân khán giả không được đào tạo, hướng dẫn cách hiểu ngôn ngữ nghệ thuật một cách cơ bản. Đã không hiểu thì sao bắt xem và yêu? Nếu các nước trên thế giới chú trọng giáo dục nghệ thuật cho học sinh thì ở Việt Nam, chúng ta chỉ chăm chăm cho học sinh nhồi nhét các môn khoa học mà xem nhẹ việc giáo dục nghệ thuật. Cải lương cũng không ngoại lệ.

Như một nỗ lực kéo khán giả trẻ lại gần với nghệ thuật cải lương, nhiều nghệ sĩ, đơn vị tư nhân chủ động tổ chức các khóa học, dự án cộng đồng hay quảng bá bằng các hình thức nghệ thuật khác. Trong số đó có không ít dự án do chính những người trẻ cầm trịch. Nhắc đến Leon Quang Lê, người ta nhớ đến ngay một chàng đạo diễn trẻ tuổi tài ba làm nên tiếng vang của phim điện ảnh “Song Lang”. Đây có thể coi là bộ phim điện ảnh đầu tiên làm về đề tài cải lương. Theo tiết lộ của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc (đồng biên kịch phim “Song Lang” với Leon Quang Lê), dù sinh sống ở Mỹ nhưng Leon rất mê cải lương. “Hễ nghe một điệu đờn ca tài tử là cậu ấy lại nhớ quê hương da diết. Cậu mê đến nỗi nhạc trong xe hơi cũng chỉ để duy nhất cải lương. Do đó, tôi không ngạc nhiên khi Leon đề nghị tôi cùng cậu ấy làm một bộ phim tâm huyết về đề tài này” – chị cho biết.

Đến nay, “Song Lang” đã đoạt hơn 50 giải thưởng trong nước lẫn quốc tế. Nhiều người đánh giá, thành công của “Song Lang” góp phần quảng bá cải lương rộng rãi hơn, đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước, đặc biệt là tiếp cận khán giả trẻ. Nhưng đạo diễn Leon Quang Lê tâm sự: “Thú thật tôi làm “Song Lang” không nhằm mục đích quảng bá, giáo dục hay bảo tồn cải lương. Đơn giản là tôi muốn thử nghiệm góc nhìn của mình để chờ xem mọi người có phản ứng giống mình hay không. Tôi làm bộ phim này với tâm thế của một người hâm mộ cải lương chứ không phải tâm thế của người trong nghề. Góc nhìn của tôi là góc nhìn của người ngoài nhìn vào nên nó sẽ khách quan và công tâm hơn”.

Một vở cải lương do các học viên khóa "Đào tạo khán giả cải lương" dàn dựng.

Một vở cải lương do các học viên khóa “Đào tạo khán giả cải lương” dàn dựng.

Cũng là một người trẻ tâm huyết với cải lương và muốn níu kéo các sinh viên, học sinh của mình trở lại với loại hình nghệ thuật tinh hoa này, từ năm 2019, Tiến sĩ Đào Lê Na đã triển khai nhiều khóa học thuộc dự án “Yume Art Project”. Bên cạnh khóa học “Trở thành nghệ sĩ cải lương” dành cho các bạn trẻ mồ côi, hoàn cảnh kém may mắn thì gây ngạc nhiên nhất là khóa học “Đào tạo khán giả cải lương”.

Tiến sĩ Đào Lê Na chia sẻ: “Khóa học có 8 buổi và thu hút hơn 50 bạn trẻ. Lúc mới mở, chúng tôi nhận vô số ý kiến trái chiều. Đa số mọi người đều thắc mắc: “Coi cải lương mà cũng cần phải được đào tạo sao?”. “Ngày xưa tôi coi cải lương đều hiểu hết, có cần phải học gì đâu?”. Mọi người không hiểu rằng ngày xưa do quá ít loại hình nghệ thuật để chúng ta giải trí nên gần như chúng ta phải coi cải lương theo bố mẹ, ông bà. Kinh nghiệm ông bà truyền đạt lại giúp chúng ta hiểu và yêu cải lương. Giờ thì có quá nhiều loại hình nghệ thuật ra đời khiến các bạn trẻ bị cuốn theo. Khi thử xem lại cải lương, các bạn cảm thấy nó rề rà và khó hiểu. Đã không hiểu thì làm sao bắt các bạn phải xem và yêu cải lương cho được. Thế nên chúng tôi phải mở lớp để các bạn được tìm hiểu về lịch sử và ngôn ngữ sân khấu cải lương. Dưới sự giảng giải của NSND Bạch Tuyết, TS Lê Hồng Phước, nghệ sĩ Huỳnh Khải…, các bạn hiểu từng cử chỉ, điệu bộ, lời ca, giai điệu… trong một vở diễn có ý nghĩa sâu xa như thế nào. Thông qua khóa học, các bạn còn nhận ra sự khác biệt giữa cải lương Việt Nam với kinh kịch Trung Quốc”. Sau khóa học, các học viên đã cùng nhau dựng một vở cải lương ngắn nói về thời đại trí tuệ nhân tạo. Khỏi phải nói thầy cô đứng lớp và ban tổ chức đã mừng vui như thế nào khi họ thấy sự trưởng thành rõ rệt của một lớp khán giả tiềm năng. Tiến sĩ Đào Lê Na cho biết, thời gian tới “Yume Art Project” sẽ tiếp tục mở lớp khi tình hình dịch bệnh ổn định.

Ngoài thành công của khóa đào tạo khán giả cải lương, mới đây “Yume Art Project” còn kết hợp với Hội đồng Anh phát động chiến dịch online “Cộng đồng kể chuyện cải lương”. Chiến dịch tập trung kêu gọi người trẻ chia sẻ ký ức hoặc cảm nhận về cải lương thông qua nhiều hình thức đa dạng như: văn chương, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, video, đồ họa… Chiến dịch kéo dài từ ngày 15-10 đến 7-12 và khép lại với lễ công bố giải thưởng vào trung tuần tháng một vừa qua. Điều thú vị là bốn hạng mục giải thưởng mang tên bốn vở cải lương kinh điển đã in dấu trong lòng nhiều thế hệ. Giải “Đôi mắt người xưa” là giải dành cho các bài viết nêu cảm nhận hay ký ức của mình về nghệ thuật cải lương. Với tâm tình xúc động và pha chút tinh nghịch trong bài viết “Ba mẹ đã dụ dỗ mình vào con đường đam mê cổ nhạc như thế nào”, bạn Bùi Huỳnh Khánh Tường là chủ nhân của hạng mục này.

Không chỉ số lượng thí sinh tham gia mà chất lượng tác phẩm dự thi cũng khiến ban tổ chức đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, đặc biệt là ở giải “Gió giao mùa”. Đây là hạng mục quy tụ các sản phẩm sáng tạo được lấy cảm hứng từ các vở cải lương. Chính vì thế các bạn trẻ tha hồ nhào nặn, thể hiện phong cách, cá tính riêng như: Làm mới cách hát “Dạ cổ hoài lang”, lập website kể chuyện cải lương, dịch sang tiếng Anh vở cải lương “Chân mệnh”, sáng tác truyện ngắn lấy cảm hứng từ vở “Sân khấu về khuya”, vẽ chân dung NSND Bạch Tuyết trong vở “Đời cô Lựu”, bài thơ cảm tác từ vở “Tiếng hạc trong trăng”… Giải “Tiếng hò sông Hậu” (giải truyền thông) và Giải “Tấm lòng của biển” (do khán giả bình chọn) đều tìm được chủ nhân.

Theo giới chuyên môn, chiến dịch này đã góp phần kéo người trẻ đến gần với cải lương nhờ sự tương tác gần gũi và trao quyền để họ thành chủ thể sáng tạo và đối thoại. Nhờ các hình thức sáng tạo đương đại trên nền tảng mạng xã hội và sự đối thoại thẳng thắn, khách quan từ người trẻ, những ai yêu cải lương sẽ biết nên làm gì để bảo tồn và đưa cải lương trở lại thuở vàng son giữa thời hội nhập.

Mai Quỳnh Nga


5/5 - (4 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *