NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu: Sẽ sáng tác kịch bản sử Việt cho mọi lĩnh vực

NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu: Sẽ sáng tác kịch bản sử Việt cho mọi lĩnh vực

23/02/2023
3871 Lượt xem

(CLV) – Sau loạt bài “Cải lương tuồng cổ “khát” kịch bản sử Việt” đăng trên Báo Người Lao Động từ ngày 20-2, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, về giải pháp nhằm tháo gỡ những hạn chế của sàn diễn sân khấu tuồng cổ

Phóng viên: Trước nhu cầu cần kịch bản sử Việt để các đơn vị sân khấu xã hội hóa đang hoạt động tại TP HCM dàn dựng, phục vụ công chúng, Hội Sân khấu TP HCM đã có những giải pháp gì?

NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu: Sẽ sáng tác kịch bản sử Việt cho mọi lĩnh vực - Ảnh 1.

NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM .(Ảnh: THANH HIỆP)

NSND đạo diễn TRẦN NGỌC GIÀU: Từ cuối năm 2022, Ban Chấp hành Hội Sân khấu TP HCM đã họp bàn về vấn đề này và đã giao Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM tổ chức tọa đàm về nội lực của sân khấu cải lương tuồng cổ TP HCM, qua đó rà soát lại mọi mặt nhằm phát huy thế mạnh của nội lực biểu diễn, khắc phục hạn chế tồn tại về khâu sáng tác, đào tạo.

TP HCM có 2 thương hiệu lớn là đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long chuyên dàn dựng, biểu diễn cải lương tuồng cổ, ngoài ra một số đơn vị xã hội hóa như: nhóm Kim Tử Long, Chí Linh – Vân Hà, Vũ Luân, Lê Nguyễn Trường Giang… cũng tổ chức biểu diễn theo khuynh hướng cải lương tuồng cổ. Thông qua tọa đàm, Hội Sân khấu TP HCM sẽ lắng nghe những thông tin chung, những mặt còn hạn chế trong khâu sáng tác, dàn dựng, đào tạo truyền nghề, sau đó sẽ tham mưu với các cấp quản lý nhà nước giải pháp tháo gỡ, tinh thần là thiết thực hỗ trợ thúc đẩy việc sáng tác những kịch bản sử Việt không chỉ cho sàn diễn cải lương tuồng cổ mà cho cả sân khấu hát bội, cải lương, kịch nói, múa rối…

Lâu nay khâu đào tạo của sân khấu cải lương tuồng cổ chủ yếu nghiêng về mặt truyền nghề, Hội có chủ trương gì để hệ thống hóa những kinh nghiệm quý báu từ các bậc thầy của bộ môn này?

Khâu đào tạo của hai gia tộc Minh Tơ, Huỳnh Long từ lâu đời đều vận dụng phương pháp truyền nghề rất hiệu quả, bằng chứng là trước năm 1975 nghệ sĩ Minh Tơ thành lập nhóm đồng ấu mang tên ông, quy tụ con em nghệ sĩ học nghề, để sau này có một thế hệ nghệ sĩ tài danh của sân khấu tuồng cổ như: NSND Thanh Tòng, NSƯT Trường Sơn, NSƯT Ngọc Đáng, NSƯT Bửu Truyện, nghệ sĩ Xuân Yến, Bạch Mai, Thanh Thế, Bo Bo Hoàng, Thanh Loan, Hữu Huệ… Cũng với cách làm này nghệ sĩ Bạch Long đã lập nhóm Đồng ấu Bạch Long, anh đã đào tạo một thế hệ tiếp nối như: NSƯT Quế Trân, NSƯT Vũ Luân, NSƯT Tú Sương, nghệ sĩ Bình Tinh, Trinh Trinh…

Hội Sân khấu TP HCM đã tổ chức nhiều chuyên đề giao lưu truyền nghề, qua những buổi nói chuyện của NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc khâu đào tạo được nhấn mạnh để qua đó truyền lửa yêu nghề đến thế hệ diễn viên trẻ.

Hội Sân khấu TP HCM cũng vừa xuất bản quyển sách “Sân khấu cải lương giai đoạn 1955 -1975”, đúc kết hành trình kiến tạo những bài học quý, khuynh hướng sáng tác kịch bản của các thế hệ nghệ sĩ tiền bối, trong đó có phân tích kịch bản sử Việt, nhằm góp phần hệ thống những bài học kinh nghiệm trong công tác sáng tác, dàn dựng.

Ban Lý luận phê bình cũng đã lên kế hoạch thực hiện các bộ phim phóng sự, ghi hình lại những bài giảng về hóa trang, vũ đạo, võ thuật, kinh nghiệm sáng tác và chuyển thể cải lương tuồng cổ. Kế hoạch này đang khẩn trương thực hiện vì thế hệ nghệ sĩ cao niên sức khỏe ngày càng yếu, nếu làm chậm sẽ khó hệ thống đầy đủ cho chiến lược đầu tư nguồn kịch bản mới về đề tài lịch sử.

Thế hệ đạo diễn trẻ dàn dựng sân khấu cải lương cũng đang là khoảng trống lớn, Hội đã có kế hoạch đầu tư, bồi dưỡng, đào tạo như thế nào?

Trong quý I/2023, Hội sẽ triển khai kế hoạch tập huấn các đạo diễn trẻ dàn dựng cải lương và cải lương tuồng cổ. Đây là vấn đề tôi canh cánh, thôi thúc phải làm trước khi hết nhiệm kỳ Chủ tịch Hội của mình. Thế hệ đạo diễn trẻ cần vận dụng kiến thức, công nghệ hiện đại nhưng vẫn giữ được cốt lõi truyền thống cải lương dân tộc. Tôi mừng khi có nhiều đạo diễn trẻ tốt nghiệp đã chịu khó nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo mới áp dụng cho việc dàn dựng sân khấu cải lương, trong đó có cải lương tuồng cổ.

Tín hiệu nào ông kỳ vọng sẽ là cú hích cho sàn diễn năm 2023?

TP HCM sẽ tổ chức Liên hoan Sân khấu TP HCM lần 1, không gian đó sẽ giới thiệu những kịch bản mới, trong đó có đề tài lịch sử. Trước đây TP HCM có liên hoan sân khấu mùa thu nhưng vì nhiều lý do đã đứt gãy, nay phục hồi lại với quyết tâm làm mới và mang bản sắc, hình thức rất riêng, là nét đặc trưng của sàn diễn nghệ thuật TP HCM khi tác phẩm luôn hướng đến công chúng, vở diễn bán vé và khán giả chính là hội đồng nghệ thuật công tâm nhất.


NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng vở “Người đối diện lương tâm”

(CLV) – Nhà hát Trần Hữu Trang đã dàn dựng và báo cáo phúc khảo tác phẩm sân khấu cải lương kinh điển “Người đối diện lương tâm” của...

NSND Trần Ngọc Giàu: Cấp thiết quan tâm, đầu tư cho sân khấu

Sau 2 ngày diễn ra Đại hội Hội Sân khấu TPHCM, tập thể nghệ sĩ sân khấu các lĩnh vực nghệ thuật: cải lương, hát bội, kịch nói, xiếc,...

5/5 - (4 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *