NSƯT Lê Thiện nghẹn ngào trong ngày họp mặt “Văn công giải phóng”

NSƯT Lê Thiện nghẹn ngào trong ngày họp mặt “Văn công giải phóng”

20/03/2021
674 Lượt xem

(CLV) – NSƯT Lê Thiện đã tặng nhà hát Trần Hữu Trang bức ảnh quý của bà tại chiến trường xưa. Bà cùng các nghệ sĩ xúc động hồi tưởng những ngày biểu diễn khi đạn pháo bay trên đầu.

NSƯT Tâm Tâm và các cựu nghệ sĩ Đoàn Văn công Giải phóng - Khu Sài Gòn - Gia Định

NSƯT Tâm Tâm và các cựu nghệ sĩ Đoàn Văn công Giải phóng – Khu Sài Gòn – Gia Định

Tối 19-3, Nhà hát Trần Hữu Trang đã tổ chức buổi họp mặt “Ký ức Đoàn Văn công Giải phóng – khu Sài Gòn – Gia Định. Nhiều nghệ sĩ đã đến dự, ôn lại chặng đường oanh liệt hun đúc tinh thần nghệ sĩ – chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Ông Phan Quốc Kiệt – Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang – cho biết tiền thân Nhà hát là sự kết hợp của Đoàn cải lương Nam Bộ, Đoàn cải lương Giải phóng và Đoàn cải lương Văn công khu Sài Gòn – Gia Định.

Ban đầu đơn vị nghệ thuật cải lương này mang tên Văn công TP HCM.

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang được thành lập ngày 15-9-1976 trên cơ sở gom 3 nguồn lực lượng gồm: Cải lương Giải phóng trong chiến khu R, cải lương Nam bộ (lực lượng tập kết về lại miền Nam) và lực lượng nghệ sĩ tại chỗ.

Qua lời kể của ông Phan Quốc Hùng – nguyên giám đốc nhà hát, cha của ông Kiệt – thì đoàn có 18 nghệ sĩ đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.

NSƯT Lê Thiện tặng Nhà hát Trần Hữu Trang bức ảnh quý của bà tại chiến trường xưa

NSƯT Lê Thiện tặng Nhà hát Trần Hữu Trang bức ảnh quý của bà tại chiến trường xưa

NSƯT Lê Thiện cho biết đến năm 1998, Nhà hát Ca – Kịch – Cải lương Trần Hữu Trang và Đoàn Văn công thành phố sáp nhập lấy tên gọi là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho đến ngày nay.

Nhà hát có đội ngũ diễn viên, ngôi sao cải lương được cả nước biết tên. Khi nói về đoàn Văn công Giải phóng thì phải nhớ đến: “Khóc bên bờ rào ấp chiến lược”, “Người mẹ Dầu Tiếng”, “Sáng một hướng đi”, “Cây sầu riêng trổ bông”, “Rừng cao su nhuộm máu”…

“Hôm nay, gặp lại các đồng đội một thời, tôi nghẹn ngào khi ai cũng thuộc những bài hát, lời thoại trong các vở cải lương. Dù tóc ai cũng bạc màu, lưng còng, chân mỏi nhưng vẫn muốn được đồng hành cùng con cháu là thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay” – NSƯT Lê Thiện xúc động chia sẻ.

Nhạc sĩ Mai Hoàng Thành – cựu thành viên của đoàn Văn công giải phóng – Khu Sài Gòn – Gia Định – kể hồi đó, đoàn hát đạn pháo bay trên đầu mà các nghệ sĩ không nao núng. Mỗi suất diễn là mỗi lần ra trận, quyết đem lời ca, tiếng đàn phục vụ bộ đội, tăng thêm sức mạnh đánh đuổi quân thù.

“Ngày nay, trong thời bình, mong thế hệ nhạc công trẻ hãy giữ gìn tiếng đàn thật chuẩn mực, đừng vì lợi ích cá nhân mà xem nhẹ việc giữ nghề” – nhạc sĩ Mai Hoàng Thành nói.

Các cựu thành viên của Đoàn Văn công giải phóng – Khu Sài Gòn – Gia Định trong ngày họp mặt

Các cựu thành viên của Đoàn Văn công giải phóng – Khu Sài Gòn – Gia Định trong ngày họp mặt

Nghệ sĩ Trần Thị Ngọc Cẩm – cựu thành viên của Đoàn nói – cho hay tại buổi họp mặt, biết Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ thành lập Nhà Truyền thống Cải lương, bà hạnh phúc lắm. Nơi đây sẽ nuôi dưỡng những ký ức đẹp về một thời hào hùng để thế hệ trẻ noi theo mà làm nghề tử tế.

Nghệ sĩ Trần Thị Ngọc Cẩm – cựu thành viên của Đoàn Văn công giải phóng – Khu Sài Gòn – Gia Định

Nghệ sĩ Trần Thị Ngọc Cẩm – cựu thành viên của Đoàn Văn công giải phóng – Khu Sài Gòn – Gia Định

Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *