NSƯT Thu Trang: Nàng Tô Thị trong lòng khán giả

NSƯT Thu Trang: Nàng Tô Thị trong lòng khán giả

Chưa phân loại
31/01/2020
619 Lượt xem

Gặp gỡ NSƯT cải lương Thu Trang – người hóa thân thành nàng Tô Thị với diễn xuất xuất thần…

“Trần lang…!” – tiếng thét của nàng Tô Thị trong vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng” là sự vỡ òa, đan xen các cảm xúc bàng hoàng, đau đớn, day dứt, pha lẫn tin yêu. Có quá nhiều điều để nói về vai diễn này, nhất là khi gặp gỡ NSƯT cải lương Thu Trang – người hóa thân thành nàng Tô Thị với diễn xuất xuất thần.

“Trang phù hợp về mọi mặt, hội tụ rất nhiều yếu tố ưu việt để vào vai Tô Thị”

Tôi được xem “Ngàn năm mây trắng” ngay buổi công diễn đầu tiên. Xuyên suốt vở kịch là hành trình của một người vợ bồng con thơ đi tìm chồng mà hành trang chỉ vỏn vẹn là một niềm tin mãnh liệt, rằng: Chồng nàng không thể tử trận! Một câu chuyện về lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng đầy xúc động và sâu sắc.

Từ chủ ý của tác giả vở kịch hát – PGS.TS, Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ: Dựng một vở diễn dành riêng cho Đoàn dân tộc của Nhà hát Đài TNVN để các nghệ sĩ của Nhà hát có dịp “khoe” mình trước khán giả; cũng để giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống của Nhà hát – mà lần đầu tiên khán giả được xem một vở kịch kết hợp tới 4 loại hình nghệ thuật truyền thống: Cải lương, chèo, xẩm và ca Huế. Ban đầu, khi biết “Ngàn năm mây trắng” là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, tôi đã e sẽ là một món thập cẩm khó thưởng thức. Nhưng kết quả là khán giả được thưởng thức nhiều món trong cùng một vở diễn mà vị nào ra vị đó đến đã. Hơn thế, chính cách kết hợp đó lại vô cùng phù hợp với bối cảnh nàng Tô Thị đi tìm chồng, để khán giả thấy rằng: Nàng đã đi khắp nẻo đường, khắp vùng miền để tìm chồng, dù ngàn năm vẫn đợi…

Bị ám ảnh bởi nàng Tô Thị trong “Ngàn năm mây trắng”, tôi tìm gặp nghệ sĩ Thu Trang. Bận và mệt vì những chuyến công tác liên miên, ấy nhưng khi nói về vở kịch hát đặc biệt này, niềm hạnh phúc khiến cô trở nên rạng rỡ. Cô gọi đó là mối duyên lành. “Được tác giả Nguyễn Thế Kỷ và đạo diễn vở kịch là NSND Triệu Trung Kiên – Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam – tin tưởng giao vai Tô Thị, Thu Trang thấy mình quá may mắn, cảm xúc đi từ bất ngờ, vui mừng, hạnh phúc và sau cùng là… áp lực. Đã bao năm kể từ khi rời Nhà hát Cải lương Việt Nam, Trang ít lên sân khấu trong vai trò diễn viên. Vở cuối cùng mà Trang tham gia là Gươm thiêng trao trả hồ thần, năm 2010 – vai Ngọc Trần, vợ của Lê Lợi”, Thu Trang chia sẻ. Nay được diễn, được khóc cười với nhân vật, lại là vai chính, hẳn nhiên áp lực với cô không nhỏ.

Trang được giao vai nàng Tô Thị hoàn toàn không phải là sự may mắn như cô nghĩ. Đó là sự chọn lựa qua con mắt nhà nghề tinh đời của đạo diễn – NSND Triệu Trung Kiên. Anh chia sẻ: “Thu Trang là một nghệ sĩ tài năng và là con nhà nòi, rất nhạy cảm và thông minh. Trang phù hợp về mọi mặt, hội tụ rất nhiều yếu tố ưu việt để vào vai Tô Thị. Ở Trang có chất đào thương mà không phải nghệ sĩ nào cũng có; kỹ năng ca và diễn rất tốt. Giọng ca của Trang rất bắt micro và vô cùng mùi mẫn, truyền cảm, có hồn với cách luyến láy rất có nghề, thuyết phục nên không chỉ ở miền Bắc mà cả các đồng nghiệp miền Nam cũng rất yêu thích và nể những vai diễn của cô ấy. Trang tiếp cận được một phương pháp biểu diễn của sân khấu cải lương hiện đại, tức là phương pháp truyền thống kết hợp với thể hiện tâm lý nhân vật và vũ đạo khá chuẩn mực”.

nsut thu trang nang to thi trong long khan gia hinh 1

NSƯT cải lương Thu Trang.

Một cách khôn ngoan, Trang đã biến áp lực thành động lực. Cô nhập vào Tô Thị ngay từ khi đọc kịch bản. “Trang xác định tạo hình tượng nàng Tô Thị không bi lụy, bị động, yếu đuối, mà kiên cường với một tình yêu và niềm tin cháy bỏng. Câu chuyện về nàng Tô Thị trong “Ngàn năm mây trắng” không giống câu chuyện dân gian quen thuộc về nàng Tô Thị bồng con lên núi ngóng chờ người chồng không bao giờ trở về rồi hóa thành đá núi. Ở đây, nàng Tô Thị nhận được tin chồng chết nhưng nàng không muốn tin vào điều đó, nàng đi tìm chồng, tìm cho mình câu trả lời chính xác nhất về cái chết của chồng, dù muôn dặm sơn khê” – Trang cho hay. Chia sẻ về vai diễn, dường như Trang một lần nữa trở thành nàng Tô Thị, vẹn nguyên sự thổn thức hôm nào.

Khi lặng im lên tiếng…

Gần 10 năm mới trở lại sân khấu, bao tình yêu, nỗi nhung nhớ nghề, nội lực và cái tâm với nghề, cô để hết vào “Ngàn năm mây trắng”. Mỗi lời thoại, tiếng ca của cô từ đầu tới cuối vở diễn đều thổ tận can tràng, tuyệt không có dấu hiệu của sự đuối hơi hay mệt mỏi. Diễn biến tâm lý của nàng Tô Thị khi nhận tin chồng tử trận, lúc đứng trước cảnh chồng thuộc về người khác, hay khi không thắng nổi những cám dỗ của thương nhân phương Bắc phải bỏ xứ mà đi, hoặc khi biết chồng bị người anh em kết nghĩa sát hại… đã được Thu Trang lột tả chân thực, trọn vẹn, tròn chĩnh.

Có những lúc nàng Tô Thị như hóa đá trên sân khấu. Không thoại, không ca, chỉ qua ánh mắt, nét mặt mà Thu Trang khiến khán giả tê tái, khắc khoải với nỗi đau đớn, lo lắng, xót xa của nàng Tô Thị. Đó Trang gọi là: Khi lặng im lên tiếng!

Thu Trang hóa thân nàng Tô Thị, diễn mà như không diễn, từ cảm xúc đến từng động tác được tiết chế vừa đủ để khán giả thấy đó đúng là nàng Tô Thị bằng xương bằng thịt đang ở trước mắt họ chứ không phải là nghệ sĩ Thu Trang đang làm nàng Tô Thị. Và đêm nào người nghệ sĩ ấy cũng khóc thắt cả tim với vai diễn.

Đem cảm nhận đó trò chuyện với NSND Triệu Trung Kiên, anh khẳng định, vai diễn Tô Thị của Trang đã chinh phục được người xem. Trang đã xây dựng thành công hình tượng một người phụ nữ Việt Nam chung thủy, thiện lương. “Có được thành công ấy bởi tài năng của Trang, và còn bởi Trang rất cầu thị, dù giờ đã là một nghệ sĩ vững vàng. Hầu hết những chỉ dẫn, yêu cầu của tôi về vai Tô Thị, Trang đều khiến tôi hài lòng. Tôi chỉ nói với Trang: Khi vào vai Tô Thị, Trang hãy sống hoàn toàn với nhân vật, quên đi tất cả những yếu tố ngoại cảnh, lược đi những nét thiên về trình diễn và những mong muốn hoàn thiện về mặt nghề nghiệp, biểu cảm nội tâm nhiều hơn để nhân vật có được sự sinh động tự nhiên vốn có. Và Trang đã làm rất tốt. Chính sự thông minh và thái độ làm nghề cầu thị nên Trang đã không bỏ qua cơ hội để hoàn thiện vai diễn của mình”, NSND Triệu Trung Kiên ghi nhận.

Sự thành công của nàng Tô Thị, ngoài yếu tố diễn xuất, còn là sự cầu kỳ của Thu Trang trong tạo hình nhân vật. Thu Trang trải lòng: “Miền Bắc vốn hiếm hoi những ê-kíp chuyên tạo hình cổ trang cho các diễn viên khi diễn tuồng cổ. Bởi vậy, khi nhận vai diễn, Trang đã phải tự thân vận động, tự lên ý tưởng tạo hình cho nhân vật – từ cách làm tóc, phụ kiện, phục trang cho tới hóa trang. Trong “Ngàn năm mây trắng”, cải lương làm trục nối xuyên suốt vở với các màn là mỗi thể loại âm nhạc chèo, xẩm, ca Huế, mà nàng Tô Thị thuộc về cải lương nên Trang muốn khi Tô Thị bước ra sân khấu, khán giả sẽ nhìn ra ngay đây là một cô đào cải lương. Và cô đã được đền đáp – đó là Huy chương Vàng cho diễn viên chính tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội – 2019. Hơn cả thế, còn là sự hài lòng của khán giả: Xem đến buổi diễn thứ ba rồi mà vẫn thổn thức, nghẹn lòng vì nàng Tô Thị./.

Ngọc Vũ/Báo TNVN


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *