Phải dẹp nạn quay lén!

Phải dẹp nạn quay lén!

Chưa phân loại
23/06/2020
494 Lượt xem

Sàn diễn cải lương sáng đèn sau nhiều khốn khó, thế mà có một bộ phận khán giả còn không thương nghệ sĩ cải lương lại vô ý thức khi vào xem vở diễn lén quay phim đưa lên mạng khiến nghệ sĩ chạnh lòng.

Trong suất diễn vở cải lương “Tướng cướp Bạch Hải Đường” do Đoàn 1 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang mới đây, nhiều khán giả đã thản nhiên dùng điện thoại di động để quay phim, chụp hình, thậm chí phát trực tiếp trên trang cá nhân (live stream video qua Facebook). Dù bảo vệ đã nhiều lần nhắc nhở nhưng những khán giả này vẫn lì lợm “tác nghiệp”.

Đây là hành vi xâm phạm bản quyền vở diễn gây thiệt hại cho đơn vị sản xuất, tác động xấu đến thái độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật nơi công cộng.

Điều đáng nói là trước khi mở màn, nhà hát đã nhắc nhở đến ba lần về quy định cấm quay hình, chụp ảnh. “Nhưng rồi họ vẫn cố ý làm điều đó, khi vở diễn của chúng tôi chỉ mới khai trương biểu diễn một suất. Mỗi tấm vé bán được rất khó khăn, sàn diễn sáng đèn là nỗ lực rất lớn của nghệ sĩ chúng tôi. Dù là rất yêu quý cải lương nhưng khán giả thương theo kiểu này đã vô tình giết chết sàn diễn” – nghệ sĩ Chí Linh, ông bầu của vở “Hòn vọng phu” cũng bị quay lén trước đó, chua xót bày tỏ.

Phải dẹp nạn quay lén! - Ảnh 1.

Quay lén vở diễn trong rạp cải lương đang trở nên phổ biến

Sân khấu Kịch IDECAF cũng cho biết đã nhiều lần bị một vài khán giả lén quay hình một vài lớp diễn vở kịch “Tấm Cám” rồi sau đó đăng tải trên trang mạng cá nhân.

Một phần nguyên nhân của vấn nạn này là đội ngũ nhân viên, bảo vệ tại các sàn diễn chưa có sự quyết liệt trong việc giám sát, xử lý vi phạm như các rạp chiếu phim đã làm trong thời gian qua.

Phải chăng cách làm việc của các rạp cải lương và kịch ở TP HCM còn nể nang, sợ nói ra mất lòng khán giả trong lúc sàn diễn lâm cảnh khó khăn, dẫn đến văn hóa thưởng thức nghệ thuật ngày càng xuống dốc.

Theo luật sư Nguyễn Văn Mót (Đoàn Luật sư TP HCM), các vở diễn là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005. Đối với hành vi “truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả”, theo điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, có thể bị phạt tiền từ 15-30 triệu đồng, buộc gỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho hay ở Việt Nam, sau mỗi lần bắt quả tang, các đơn vị liên quan cũng chỉ làm ầm lên, sau đó dừng ở mức răn đe, cảnh cáo và… tha, kèm theo bản cam kết “không được tái phạm”. “Theo tôi, sàn diễn cải lương và kịch nói cần nghiêm khắc để làm gương cho nhiều người khác, ngăn chặn được những điều tương tự diễn ra trong tương lai… Đó vừa là tôn trọng công sức của người làm nghệ thuật vừa tránh gây thiệt hại cho chính họ” – NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *