Sân khấu 2022: Những thăng trầm và hi vọng

Sân khấu 2022: Những thăng trầm và hi vọng

04/01/2023
1290 Lượt xem

(CLV) – Sau hai năm COVID-19, các sân khấu tại TP.HCM chính thức hoạt động trở lại. Dù nhiều thăng trầm, các sân khấu vẫn cố gắng gìn giữ bộ môn nghệ thuật này.

Sân khấu 2022: Những thăng trầm và hi vọng ảnh 1

Vở 12 bà mụ diễn tại Nhà hát Thanh niên. Ảnh: HÀ NGUYỄN.

Đìu hiu và sự cố gắng chuyển mình

Sau đại dịch COVID-19, các sân khấu đã dần trở lại hoạt động trở lại vào đầu năm 2022. Thế nhưng hậu COVID-19 đã khiến nhiều sân khấu lao đao vào nửa đầu năm nay.

Chính vì lẽ đó nhiều sân khấu đã chọn cách chuyển sang phương thức hoạt động mới, trong đó sân khấu Hoàng Thái Thanh đã chọn ngưng diễn định kỳ hằng tuần và chuyển sang diễn theo mùa.

Sân khấu 2022: Những thăng trầm và hi vọng ảnh 2

NSƯT Thành Hội và diễn viên Thúy Diễm trong vở “Mùi của hạnh phúc” mở đầu mùa diễn ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ảnh: Fanpage Hoàng Thái Thanh

Được biết, sân khấu sẽ có khoảng 2-3 mùa diễn theo năm. Mỗi mùa chỉ dựng và diễn một vở mới, diễn liên tục trong 2 – 3 tháng đến khi nào hết khán giả thì ngưng. Các vở diễn cũ chỉ diễn lại nếu có hợp đồng hoặc khán giả yêu cầu. Sau đó, sân khấu kịch Hồng Vân cũng tuyên bố chọn hình thức tương tự.

Theo chia sẻ của một số bà bầu, đây là hệ luỵ của việc gánh gồng thuê mặt bằng, thiếu kịch bản, khán giả có nhiều sự lựa chọn để giải trí… Và trước tình hình khó khăn, không ít người yêu thích bộ môn nghệ thuật lâu đời này không khỏi trăn trở và xót xa.

Tuy nhiên, chỉ một gian sau đó, các sân khấu cũng đã dần vươn lên nghịch cảnh và cố gắng níu giữ bộ môn nghệ thuật này.

Cụ thể, sân khấu kịch Hồng Vân đã phối hợp với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) để thành lập Sân khấu kịch học đường UEH Theatre.

Sân khấu 2022: Những thăng trầm và hi vọng ảnh 3

Một cảnh trong vở diễn Quyền lực &Tình yêu tại sân khấu kịch học đường UEH Theatre. Ảnh: HỒNG VÂN

Sân khấu kịch học đường UEH Theatre mang thông điệp “Stage a play, Stay a culture” (Một sân khấu, một nét văn hóa được gìn giữ) sẽ dàn dựng và biểu diễn những tác phẩm văn học, điển tích, truyền thuyết lịch sử, dân gian… nổi tiếng trong và ngoài nước dành cho học sinh – sinh viên, giáo viên, giảng viên… các trường THPT, cao đẳng, đại học tại TP.HCM với giá vé mềm (50.000 đồng/vé).

Hay như sân khấu kịch 5B, dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tìm lối đi bằng cách hướng đến khán giả thiếu nhi với những vở diễn vào dịp cuối tuần.

Sân khấu 2022: Những thăng trầm và hi vọng ảnh 4

Vở “Vương quốc những người xấu xí” dành cho thiếu nhi của Sân khấu 5B. Ảnh: H. N

Theo bà bầu NSƯT Mỹ Uyên, thay vì sau khi ăn sáng với ba mẹ xong lại bấm điện thoại vào cuối tuần thì trẻ con tại TP sẽ được ba mẹ chở đến sân khấu xem kịch rồi lại về ăn trưa, vui chơi với bạn bè dịp cuối tuần. Với ý nghĩa đó, các suất diễn cho thiếu nhi của sân khấu được phụ huynh và các em thiếu nhi ủng hộ.

Còn với nhà thiết kế Sĩ Hoàng, anh cũng vô cùng năng nổ khi tổ chức nhiều đêm diễn với hình thức Kịch Buffet. Gần đây nhất, anh cũng đã hợp tác với Nhà hát Đà Lạt Opera House đưa hai vở Yêu là thoát tội và Khóc giữa trời xanh lên Đà Lạt lưu diễn. Vở Yêu là thoát tội cũng được một doanh nhân ở Cần Thơ yêu mến và mời về biểu diễn.

Những điểm sáng

Trong khi nhiều sân khấu đối mặt với nhiều khó khăn sau đại dịch thì sân khấu IDECAF và Thế giới trẻ vẫn giữ được sự ổn định về lượng vé bán ra.

Đối với sân khấu IDECAF, không ít khán giả cho rằng việc săn vé cho các vở diễn rất khó và sân khấu luôn trong tình trạng hết sạch vé.

Đơn cử với chương trình Ngày xửa ngày xưa số 33 với vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá đã cháy vé ngay trong 13 suất đầu tiên.

Theo dự kiến ban đầu chỉ diễn 32-35 suất, nay đã tăng lên gần 60 suất nhưng vẫn không đủ vé bán.

Sân khấu 2022: Những thăng trầm và hi vọng ảnh 5

Một cảnh trong chương trình Ngày xửa ngày xưa số 33. Ảnh: HÀ NGUYỄN.

Không chỉ vậy, TP.HCM cũng có thêm nhiều điểm diễn mới dù thực trạng khó khăn ngày càng nhiều.

Cụ thể, hồi tháng 11-2022, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF đã “liều” khi ra mắt Nhà hát Thanh niên (phối hợp thực hiện cùng Nhà văn hoá Thanh niên).

Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn điều tiên quyết để ông thực hiện ý định này chính là vì những khán giả trẻ.

Với tâm nguyện đó, ông đã xây dựng nơi đây thành nhà hát mở và kết hợp nhiều loại hình như kịch nói, cải lương, nhạc kịch… Đồng thời kêu gọi những nghệ sĩ tài năng của TP đầu quân về đây đặc biệt là tác giả, đạo diễn và diễn viên trẻ…

Bước đầu vở 12 bà mụ khai trương nhà hát trong chương trình Ấn tượng 25 năm kịch Idecaf đã liên tục cháy vé.

Để nhà hát thành nơi đến quen thuộc và được khán giả nhớ đến có lẽ hành trình của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn còn lắm chông gai. Tuy nhiên ông vẫn mong mỏi sự cố gắng hết lòng của mình sẽ được khán giả đón nhận và yêu thương.

Không chỉ vậy, mới đây sân khấu kịch Trương Hùng Minh của NS Minh Nhí cùng hỗ trợ của học trò Việt Hương đã ra mắt. Sân khấu sẽ có vở diễn đầu tiên mang tên Đụng vô là phỏng tay vào tối 1-1-2023.

Cùng nhiều điều để hi vọng

Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cuộc thi liên quan đến sân khấu như Liên hoan sân khấu kịch, Liên hoan Cải lương toàn quốc đã được dời sang năm nay. Đáng chú ý còn có cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang…

Dù diễn ra sau thời điểm dịch bệnh với nhiều khó khăn thế nhưng các sân khấu vẫn cho thấy sức sống mạnh mẽ của mình. Ví dụ tại Liên hoan sân khấu kịch nói có đến 16 đơn vị tham gia.

Hay cải lương toàn quốc có 22 đơn vị nghệ thuật từ trung ương đến địa phương tham gia.

Sân khấu 2022: Những thăng trầm và hi vọng ảnh 6

Nghệ sĩ Bình Tinh vào vai Tống Thị Quyên trong vở Vương quyền. Ảnh: H.N

Điều khiến nhiều khán giả yêu mến và gắn bó với sân khấu chính là giữa các đơn vị tham dự các cuộc thi thì số lượng diễn viên trẻ chiếm phần lớn trong các vở diễn.

Đơn cử tại cuộc thi cải lương toàn quốc đến 40% thi sinh là diễn viên trẻ từ 8x đến 9x.

Và đối với mỗi cuộc thi khán giả lại có niềm hi vọng khi tìm được những gương mặt mới, những diễn viên trẻ để kỳ vọng.

Theo đó, đối với lực lượng phía kịch đã có những diễn viên như Minh Dự, Lê Lộc, Nam Thư, Quang Tuấn, Hồng Trang,.. Còn nghệ sĩ cải lương trẻ gồm Võ Minh Lâm, Điền Trung, Bình Tinh, Minh Trường, Lê Thanh Thảo…

Hay những ông bầu trẻ đã tổ chức những show diễn được đón nhận trong năm 2022 như Gia Bảo, Hoàng Hải, Bình Tinh….

Sân khấu 2022: Những thăng trầm và hi vọng ảnh 7

Quang Tuấn, Diệu Nhi trong vở “Đời như ý” của sân khấu Thế giới trẻ. Ảnh: NSCC

Sân khấu 2022: Những thăng trầm và hi vọng ảnh 8

Vở Lan Lăng Vương do “ông bầu” trẻ Hoàng Hải thực hiện. Ảnh: HÀ NGUYỄN.

Xã hội ngày càng phát triển, khán giả cũng đã có nhiều sự chọn lựa để giải trí… vì vậy khó khăn của sân khấu là điều ai cũng thấy được.

Nhưng với tâm huyết của ông bà bầu và sự cố gắng nổ lực của lớp nghệ sĩ trẻ là động lực, minh chứng để khán giả có niềm tin vào sân khấu trong tương lai.


Cải lương nhộn nhịp, nghệ sĩ, khán giả vẫn vất vả

Cải lương ở “thánh địa” cải lương Sài Gòn bỗng trở nên nhộn nhịp sau hơn năm năm im lìm, biến mất. Tuy nhiên, đây có thực là sự...

Giỗ Tổ nghề sân khấu: Dặn lòng giữ lấy nếp nhà

(CLV) – Giỗ Tổ sân khấu năm nay diễn ra trong giãn cách xã hội nghiêm ngặt và cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn trong giai đoạn then chốt....

Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *