Sức hút riêng của cải lương

Sức hút riêng của cải lương

Chưa phân loại
02/01/2019
478 Lượt xem

Giữa thị trường giải trí đa dạng và cơn lốc của những video ca nhạc triệu lượt xem thì đờn ca tài tử và cải lương như một dòng chảy ngầm dai dẳng, nhưng vẫn có một sức hút riêng với không ít những người trẻ. Những vở tuồng, điển tích, câu vọng cổ có tuổi đời cả trăm năm ấy vẫn còn một vị trí đặc biệt trong lòng khán giả.

Một tiết học chuyên ngành của những người lính trẻ yêu đờn ca, Lớp Trung cấp Quân sự Nhạc Công, Kịch hát dân tộc và diễn viên sân khấu cải lương thuộc cơ sở 2 trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Một tiết học chuyên ngành của những người lính trẻ yêu đờn ca, Lớp Trung cấp Quân sự Nhạc Công, Kịch hát dân tộc và diễn viên sân khấu cải lương thuộc cơ sở 2 trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Câu vọng cổ giữa lòng thành phố

Mỗi sáng Chủ nhật hằng tuần, trong khuôn viên vừa vặn của Nhà Văn hóa Sinh viên, những người trẻ ngồi lại cùng nhau để ngân nga câu hát, bài vọng cổ. Một không gian đờn ca tài tử miệt vườn như được tái hiện, những câu hò-xự-xang-xê-cống vang lên thật mượt mà giữa lòng thành phố nhộn nhịp.

Xuất phát điểm là nhóm Tài năng hè phố – nơi để các bạn sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng trong thành phố có cùng niềm yêu thích với bộ môn cải lương, đờn ca tài tử ngồi lại với nhau. Địa điểm sinh hoạt của nhóm là khoảng sân rộng của khu B của ký túc xá Đại học quốc gia TPHCM. Không dừng lại ở việc đàn hát với nhau vì một tình yêu với câu vọng cổ, các bạn trẻ này đã cố gắng đem vọng cổ lan tỏa hơn trong giới sinh viên thông qua những buổi sinh hoạt trên lớp. Được sự hỗ trợ từ Nhà Văn hóa Sinh viên (643 Điện Biên Phủ, phường 1, quận 3) nhóm đã phát triển và trở thành câu lạc bộ (CLB) trực thuộc, với tên gọi Câu lạc bộ Giai điệu Phương Nam. Số lượng thành viên cũng được mở rộng thêm, không còn gói gọn trong giới sinh viên mà đã có hơn 60 bạn trẻ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau trong thành phố.

Không phải con nhà nòi, cũng không yêu thích đờn ca vọng cổ từ nhỏ, nhưng Lê Trung Hiếu (sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Bách khoa TPHCM) hiện là một trong những giọng nam mùi mẫn của câu lạc bộ này. “Từ nhỏ mình không thích nghe vọng cổ hay cải lương cho lắm, nhưng khi lên đại học thì mọi chuyện khác hẳn, mỗi lần nghe câu vọng cổ là thấy có sự gần gũi, quen thuộc như đang ở quê nhà. Quê của mình ở An Giang, có lẽ vì là người miền Tây nên khi nghe câu vọng cổ hay tuồng cải lương mình thấy rất gần gũi, thân thương. Rồi mình bắt đầu lên mạng tìm hiểu và tập tành hát vọng cổ”, Hiếu chia sẻ.

Phó ban chủ nhiệm câu lạc bộ Trần Phương Linh cho biết với những chương trình biểu diễn ở các trường học, câu lạc bộ luôn lựa chọn những bài có giai điệu, lời ca thật vui tươi, gần gũi trước để các bạn học sinh-sinh viên dễ tiếp cận, rồi mới hướng đến những bài bản nâng cao. Qua các chương trình, câu lạc bộ hy vọng âm nhạc dân tộc vẫn được người trẻ nhớ đến, giữ gìn và phát huy để không bị lu mờ trước những loại hình giải trí khác”.

Câu vọng cổ trong lòng người lính trẻ

Khoác lên mình màu xanh áo lính, công tác ở Đoàn văn công Quân khu 9, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi của vùng sông nước quyết giữ lấy câu hò, điệu lý, những bài vọng cổ như một trách nhiệm mà người trẻ phải giữ gìn và phát huy.

Trước câu hỏi, có chạnh lòng khi thấy nhạc trẻ thì thu hút nhiều khán giả, nhưng lượng khán giả của sân khấu cải lương truyền thống, đờn ca, hay vọng cổ không đông bằng, Bảo Ngọc (học viên khoá 1 Lớp Trung cấp Quân sự Nhạc Công, Kịch hát dân tộc và diễn viên sân khấu cải lương), chia sẻ khi theo nghề, em không so sánh vọng cổ, cải lương với dòng nhạc khác hay khán giả bên nào nhiều hơn, vì mỗi loại hình có đặc trưng riêng và có khán giả khác nhau. Do vậy, em cũng không buồn hay chạnh lòng khi cải lương, vọng cổ có phần trầm lắng, không có nhiều cuộc thi hay chương trình truyền hình dành cho loại hình nghệ thuật này. “Những người tài năng, am hiểu bài bản theo nghề ngày càng hiếm, nên người trẻ may mắn có giọng hát được đào tạo chuyên nghiệp để theo nghề thì càng quý hơn”, Ngọc nhận xét.

Chỉ có vỏn vẹn bốn thành viên trong một lớp học, những người lính trẻ vẫn hăng say tập luyện cùng nhau. “Tụi em thì đàn, hai bạn nữ thì hát, có những giờ lên lớp riêng để học chuyên về đệm đàn, nhưng bốn đứa vẫn hỗ trợ cho nhau được”, Thanh Liêm chia sẻ. Còn Nhật Đức cho biết hiện em đang bị vỡ giọng nên chuyển sang học đàn, khi nào giọng ổn định lại thì tiếp tục học hát để có thể vừa đàn vừa hát hỗ trợ thêm cho các bạn. Có lẽ chính vì tiếp xúc với tiếng đàn, những làn điệu, bài bản vọng cổ từ nhỏ, những “thầy đờn”, “cô đào” mười tám, đôi mươi trong màu áo lính vẫn miệt mài bên câu vọng cổ với một niềm tin sắc son rằng sau khi học xong hệ trung cấp, các em có dự định sẽ học lên tiếp để theo nghề một cách bài bản nhất, để vọng cổ, cải lương được duy trì một cách thật chuyên nghiệp chứ không đơn thuần chỉ hát vì thích như bạn Minh Thư chia sẻ.

Giữa những khó khăn của lĩnh vực sân khấu nghệ thuật nói chung và cải lương nói riêng, vẫn có những người trẻ chọn nghe câu vọng cổ, đam mê và muốn theo nghề này một cách chuyên nghiệp.

Thanh Dương


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *