Thái Bình công chúa

606 Lượt xem
·
·
12/08/2019

Sau khi vua Đường Cao Tông – Lý Trị băng hà, Võ Tắc Thiên lên ngôi trị vì thiên hạ mà không cần buông rèm nhiếp chính. Lập ra triều đại Võ Chu. Trong các tử tôn, người được Võ Hoàng yêu thương nhất chính là Thái Bình công chúa. Có thể dùng tám chữ “tư sắc diễm mỹ, tính khí trẻ con” để hình dung về nàng công chúa này. Tính khí của nàng công chúa xinh đẹp, thông minh này không được tốt cho lắm. Dù có lý hay không có lý, những gì Thái Bình công chúa nói đó chính là đạo lý……Cãi lại xem? Nghĩ cũng đừng nên nghĩ.

Dưới sự cai trị của Võ Hoàng, quốc gia hưng thịnh. Nhưng đâu đó vẫn còn phiến quân âm mưu lật đổ nhà Chu tái lập nhà Đường, tiêu biểu là Dương Sở Thành.

Trong một lần Võ Hoàng đi viếng mộ Minh Học Văn (Võ Tắc Thiên, Trần Nam Anh, Minh Học Văn là bạn tâm giao tri kỷ thời niên thiếu), bất ngờ bị sát thủ hành thích nhờ Trần Nam Anh cứu giá kịp thời, nhưng vẫn làm kinh động thánh giá.

Chuyện này làm Võ Hoàng vô cùng tức giận, quyết phải đập tan ảo mộng “dời non lấp biển” của những kẻ còn mơ giữa ban ngày.

Đáng giận hơn, Võ Hoàng phát hiện chuyện Thái Bình công chúa và Tiết Thiệu – con của Thành Dương và công chúa nhà Đường yêu nhau. Không thể có chuyện Phò mã nhà Chu lại là con cháu nhà Đường, những kẻ âm mưu chống lại bà. Người Võ Hoàng muốn chọn làm Phò mã chính là Võ Vô Kỵ – gọi bà là cô mẫu. Thái Bình công chúa vừa xinh đẹp, thông minh, tuy tính tình hơi trẻ con nhưng vô cùng đáng yêu, sức mạnh ma mị từ nàng khiến ai cũng phải si mê, mộng tưởng. Chỉ tiếc là trái tim ấy đã có hình bóng một người, Vô Kỵ chỉ đành ôm mối tương tư. Dẫu sao chàng và Tiết Thiệu cũng là huynh đệ đồng môn. Chỉ cần Thái Bình hạnh phúc, chàng sẽ chúc phúc cho họ.

Võ Hoàng đem cả nhà họ Tiết ra làm áp lực, buộc Tiết Thiệu không được đến gần Thái Bình. Tiết Thiệu có yêu thương Thái Bình đến đâu, cũng không thể đem mạng sống của toàn gia ra đánh đổi, đành mượn men cay quên đi mối tình vừa chớm nở.

Trong lúc chàng tuyệt vọng, đau thương cho mối tình không biết đi về đâu của mình thì Dương Sở Thành xuất hiện, hắn dùng lời lẽ chiêu dụ mà Thái Bình công chúa chính là “mồi câu”. Tiết Thiệu đã bảy phần say ba phần tỉnh ký tên vào lá huyết thư thề lật đổ Võ Tắc Thiên. Khi lý trí chàng quay về thì Dương Sở Thành cùng lá huyết thư đã mất dạng.

Chuyện Võ Hoàng hạ chỉ nghiêm cấm, cắt đứt tình duyên đôi lứa…. khiến Thái Bình công chúa vô cùng ấm ức, tức giận, không phục…… Nàng đã kháng lệnh Mẫu hoàng, đi tìm Tiết Thiệu…..thế mà chàng không vui mừng còn hết lời xua đuổi, nàng tức giận càng thêm tức giận. Như đã nói, tính khí Thái Bình công chúa không được tốt, cơn giận này khó thể lắng dịu đương nhiên là phải tìm chỗ trút rồi. Nạn nhân không ai khác chính là toàn bộ đồ đạc có trong phủ công chúa đã không còn nguyên vẹn dưới bàn tay xinh đẹp của nàng Thái Bình (cái nào quăng được quăng, đập được đập, đạp được đạp).

Không lâu thì Tiết Thiệu tìm đến thuật rõ mọi chuyện, Thái Bình nghe mà toàn thân buốt lạnh, suối lệ không ngừng rơi. Nàng hiểu rõ mức nghiêm trọng của chuyện này, nếu đến tai Võ Hoàng, cả nhà họ Tiết chỉ có con đường chết. Tiết Thiệu muốn cứu vãn tình hình, nói lời tạm biệt Thái Bình đi tìm Dương Sở Thành.

Trần Nam Anh “thuận nước đẩy thuyền” tấu trình cùng Võ Hoàng lệnh cho Tiết Thiệu đến Lạc Dương Thành dẹp loạn phiến quân, lập công cho Đại Chu. Võ Hoàng nghe thế thì vui mừng, hứa nếu đắc thắng khải hoàn ca sẽ ban hôn cho Tiết Thiệu cùng Thái Bình nên duyên cầm sắc.

Tiết Thiệu đầu quân dưới trướng của Dương Sở Thành, nhưng họ Dương kia cũng là tên nham hiểm, đa nghi hắn chưa thật sự tin tưởng Tiết Thiệu thật tâm thật dạ đi theo hắn. Muốn đoạt lại lá huyết thư còn lắm gian nan.

Mặt khác, nàng Thái Bình vì nhớ thương và lo lắng cho Tiết Thiệu, nên cải nam trang, đi cùng là a hoàn thân cận Linh Lợi muôn dặm tìm “chồng”.

Tiết Thiệu, Thái Bình, Trần Nam Anh, Võ Vô Kỵ – bốn người cùng gặp nhau tại quán nhỏ ven đường. Nhờ Trần Nam Anh bày mưu “khổ nhục kế” để Tiết Thiệu bắt Thái Bình và Võ Vô Kỵ về nạp cho Dương Sở Thành tỏ lòng trung thành. Dương Sở Thành trúng kế, bị quân Đại Chu mai phục, toàn quân tan rã. Dương Sở Thành chết, nhưng phó tướng của hắn đã kịp đem theo lá huyết thư tẩu thoát. Đao kiếm vô tình, Linh Lợi đã hy sinh. Sau đó Trần Nam Anh cũng xin cáo lão về quê.

“Quân vô hý ngôn” Võ Hoàng gả Thái Bình cho Tiết Thiệu. Hôn lễ linh đình rực rỡ, trải qua bao chuyện tình yêu của họ đã được chấp thuận.

Đêm hoa chúc tưng bừng thì có chiếu triệu Tiết Thiệu nhập cung kiến giá không được chậm trễ.

Lá huyết thư đã đến tay Võ Hoàng, khiến bà nổi cơn thịnh nộ lôi đình, truyền đem Tiết Thiệu chém đầu lập tức. Mặc Thái Bình hết lời van xin, cầu khẩn. Ý Võ Hoàng đã quyết, khó lung lay lòng.

Nhờ Võ Vô Kỵ đi tìm Trần Nam Anh quay về Cung đem cái chết để can gián, Võ Hoàng mới suy xét lại ban chiếu tha tội chết cho Tiết Thiệu.

Nhưng đã trễ một bước, Tiết Thiệu bị một đao chí mạng. Thái Bình ôm Tiết Thiệu trong tay mà nước mắt ngắn dài, tâm can đau xót. Chưa trọn vui ân ái đã trở thành góa phụ.

“Ngai vàng ơi ngai vàng, mi không có trái tim”! Làm sao để vẹn toàn đôi đường “nước mắt của con rơi để cho ngai vàng của mẹ muôn đời bền vững”.

Thái Bình mang xác Tiết Thiệu đi. Đi đâu? Không biết nữa, nhưng chắc rằng là nơi không có phân biệt họ Võ hay họ Lý, không có chiến tranh, không có hận thù, không có tranh quyền đoạt vị. Nơi chỉ có tình yêu của Thái Bình và Tiết Thiệu…………..



Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nội dung liên quan

12:21
Tứ Tử Đăng Khoa
03/02/2024
·
146 Lượt xem
12:21
Anh hùng chiêu anh quán
19/09/2023
·
6044 Lượt xem
12:21
Kim Hồ Điệp
06/09/2023
·
2583 Lượt xem
12:21
Trảm Trịnh Ân
24/08/2023
·
1776 Lượt xem