Thanh Hải – Ngọc Hương: Vụt sáng bất ngờ

Thanh Hải – Ngọc Hương: Vụt sáng bất ngờ

Chưa phân loại
31/01/2019
561 Lượt xem

(CLV) – Thời sân khấu cải lương hưng thịnh, khán giả thích những đào kép mới có giọng ca lạ, phong cách ca diễn sáng sân khấu. Hai ngôi sao thuộc làn sóng mới thập niên 1960 – 1970 có đủ hai yếu tố này nhanh chóng vụt sáng là Thanh Hải – Ngọc Hương.

NS Thanh Hải - NSƯT Ngọc Hương trong vở "Nắng chiều trên sông Dịch" năm 2005

NS Thanh Hải – NSƯT Ngọc Hương trong vở “Nắng chiều trên sông Dịch” năm 2005

Vụt sáng là yếu tố quan trọng nhất đưa tên tuổi hai ngôi sao sân khấu Thanh Hải – Ngọc Hương sánh ngang các cặp đào kép chính đương thời sau khi vở tuồng “Nắng chiều trên sông Dịch” được dàn dựng và thu hút nhiều khán giả.

Soạn giả Nguyễn Phương nhắc lại đó là giai đoạn nghệ sĩ Thanh Hải vừa rời khỏi đoàn Thủ Đô về đoàn Kim Chưởng nhận vai chính, đóng cặp với NS Ngọc Hương. Trước đó không lâu, NS Ngọc Hương và chồng là soạn giả Thu An cũng đã rời đoàn Thủ Đô về đầu quân với bà bầu Kim Chưởng.

“Gánh của bà bầu Kim Chưởng được tăng cường thực lực nên vở “Nắng chiều trên sông Dịch” dọn đường cho những chuyến lưu diễn thành công ở các tỉnh miền Đông, miền Tây và ra tận miền Trung, khiến giới sân khấu công nhận sự thành công mỹ mãn về mặt tài chính và nghệ thuật để bà bầu Kim Chưởng nhận danh hiệu “đệ nhất anh hùng lưu diễn” – soạn giả Nguyễn Phương kể.

Nhờ có cặp đôi Thanh Hải – Ngọc Hương đóng vai chính nên đoàn Kim Chưởng lưu diễn đến đâu, vở tuồng “Nắng hiều trên sông Dịch” cũng thu hút rất đông khán giả. Các sân bãi ở miền Trung thu hút hơn 10.000 người xem mỗi đêm. Về miền Tây và ngay cả ở Sài Gòn, các đoàn hát khác không dám “trụ bến” gần nơi đoàn của bà bầu Kim Chưởng sáng đèn.

NS Thanh Hải - NSƯT Ngọc Hương, NSƯT Minh Vương, NSND Lệ Thủy trong hậu trường rạp Hưng Đạo năm 2005 (chương trình "Những dấu ấn không phai" 2005)

NS Thanh Hải – NSƯT Ngọc Hương, NSƯT Minh Vương, NSND Lệ Thủy trong hậu trường rạp Hưng Đạo năm 2005 (chương trình “Những dấu ấn không phai” 2005)

Phân tích sự độc đáo về mặt ca diễn của cặp đôi này, nhà báo lão thành Huỳnh Công Minh nói: “Giọng ca của NS Thanh Hải ngọt ngào, sâu lắng. Nhờ soạn giả Thu An lăng xê, hướng dẫn cách ngâm thơ Tao Đàn, anh khiến người xem thổn thức mỗi khi ngâm, dù còn trong hậu trường nhưng khán giả đã vỗ tay muốn bể rạp. Bên cạnh đó, nhờ ưu thế đài phát thanh Sài Gòn thời đó thường phát dĩa hát của NS Thanh Hải. Lúc đó khán giả rất muốn nhìn mặt NS Thanh Hải trên sân khấu nên đoàn của bà bầu Kim Chưởng đi đến các tỉnh miền Tây, miền Đông đều kéo lượng người xem rất đông. Yếu tố độc đáo khiến thiên hạ đồn đại chính là mối lương duyên trên sàn diễn của Thanh Hải với Ngọc Hương. Soạn giả Thu An thời đó là chiếc chìa khóa vàng giúp bà bầu Kim Chưởng thu lợi nhuận từ việc khai thác nét ca diễn của cặp đôi này”.

Sinh thời, NSƯT Ngọc Hương đã nhắc đến NS Thanh Hải – người bạn diễn mà theo bà có làn hơi truyền cảm, nổi danh như cồn nhưng tính tình cộc lốc, dễ nổi nóng với bạn diễn. Vốn là một dân phu với nghề cạo mủ cao su, quanh năm suốt tháng với cuộc sống thiếu thốn, Thanh Hải nhờ có giọng ca mà đến với sân khấu rồi vụt sáng.

NS Thanh Hải - NSƯT Ngọc Hương và NS Tuấn Thanh, NSƯT Thanh Thanh Tâm trong hậu trường rạp Hưng Đạo (chương trình "Những dấu ấn không phai" 2005)

NS Thanh Hải – NSƯT Ngọc Hương và NS Tuấn Thanh, NSƯT Thanh Thanh Tâm trong hậu trường rạp Hưng Đạo (chương trình “Những dấu ấn không phai” 2005)

Còn NSƯT Ngọc Hương xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông bà nội và cha theo nghề hát bội. Cha của bà là người đã hướng các cô con gái – gồm: Kim Giác, Ngọc Hương, Ngọc Lan – theo nghệ thuật cải lương. Lần đầu tiên bà lên sân khấu là năm 10 tuổi. Sau đó, bà nhanh chóng trở thành đào chánh của đoàn đại bang Kim Chưởng. Năm 1962, bà đoạt huy chương vàng triển vọng Giải Thanh Tâm với vai Châu Bích Lệ trong vở “Ảo ảnh Châu Bích Lệ”. Bà vụt sáng cũng nhờ giọng ca và sắc vóc tươi trẻ khi xuất hiện trên sân khấu.

Kỳ nữ – NSND Kim Cương cho biết: “Ngọc Hương có một thời tuổi thơ gắn liền với tôi khi cô theo gánh hát của dì thứ năm của tôi là NS Năm Phỉ học nghề. Chị em chúng tôi chung sống trong đoàn hát, nên những bước đi chập chững vào nghề của Ngọc Hương đều có sự quan sát của tôi. Với cá tính nhanh nhẹn, chịu khó tìm tòi, Ngọc Hương nhanh chóng trở thành đào chánh khi mà suất hát nào của má Năm Phỉ, má Bảy Nam và những người lớn trong đoàn hát, cô bé Ngọc Hương cũng ngồi xem say mê rồi hát theo người lớn. Nhờ vậy mà Ngọc Hương nhanh chóng vụt sáng. Bất ngờ là có được “lộc tổ” khi “sánh duyên trên sàn diễn” với kép Thanh Hải. Nghề hát không phải ai muốn là có được bạn diễn ăn ý. Sau khi lấy chồng là soạn giả Thu An, hai ông bà đã lập ra gánh Hương Mùa Thu, một đại bang thời bấy giờ đi theo chủ trương “thi, ca, vũ, nhạc, kịch”, làm mới cho sàn diễn cải lương”.

NS Thanh Hải tên thật là Hồ Văn Xia, vốn là dân phu ở đồn điền cao su Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương. Khi đi cạo mủ, ông thường ca vọng cổ và mỗi lần nghe ca thì các dân phu ở gần ngưng làm việc để thưởng thức làn hơi ca trầm ấm, đầy cảm xúc của Thanh Hải.

“Việc này được đồn đãi đến tai vị kỹ sư đồn điền cũng mê cải lương và có mối quen biết với ông bầu Ba Bản. Vị kỹ sư này đã đưa Thanh Hải xuống Sài Gòn giới thiệu với ông bầu gánh đoàn hát Thủ Đô. Nghe Thanh Hải ca vọng cổ quá hay và có phần mới lạ, ông Ba Bản nghĩ thầm rằng giọng ca này nếu được khai thác thì cũng ngang ngửa với “đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn thời đó, nên ông quyết định thu nhận và trả lương học việc mỗi ngày cho Thanh Hải. Tuy nhiên, dù nhận Thanh Hải nhưng không giao vai, mà bắt buộc Thanh Hải hằng đêm ngồi bên cánh gà, học hỏi tất cả mọi vai diễn của nghệ sĩ trong tuồng, kể cả vai của NS Út Trà Ôn. Bởi, ông bầu Ba Bản biết rằng đến một lúc “hổ lớn sẽ rời rừng” thì có “hổ con thay thế”. Vài tháng sau, khi NS Út Trà Ôn và NS Hoàng Giang rời bỏ đoàn Thủ Đô ra lập gánh Thống Nhất, NS Thanh Hải được bầu Ba Bản đưa vào thay thế các vai của “đệ nhứt danh ca”. Trên thực tế, từ một anh kép dự phòng, chưa có vai diễn, Thanh Hải một bước nhảy vọt lên ngôi vị kép chánh một đoàn hát đại ban thời đó và vụt sáng, đó là chuyện hy hữu trong giới sân khấu cải lương” – NSND Ngọc Giàu nhớ lại.

Nhà báo Thanh Hiệp giao lưu với NS Thanh Hải - NSƯT Ngọc Hương ngày 21-5-2005 tại sân khấu rạp Hưng Đạo (chương trình "Những dấu ấn không phai") (ảnh: Minh Châu)

Nhà báo Thanh Hiệp giao lưu với NS Thanh Hải – NSƯT Ngọc Hương ngày 21-5-2005 tại sân khấu rạp Hưng Đạo (chương trình “Những dấu ấn không phai”) (ảnh: Minh Châu)

Khi sánh cặp với NS Ngọc Hương diễn những vở tuồng hay do soạn giả Thu An sáng tác theo dạng “đo ni đóng giày”, cả hai đã cuốn hút người xem đến rạp. Giá cát sê ngày càng tăng, các hãng đĩa tranh nhau mời cặp đôi này về khai thác. Cả hai đã có nhiều vở tuồng ấn tượng như: “Nửa bản tình ca”, “Thuyền ra cửa biển”, “Hai chiều ly biệt”, “Lá huyết thư”, “Cô gái sông Đà”, “Áo ảnh Châu Bích Lệ”… và trăm vở tuồng, bài ca cổ được thu âm thời đó.

Sau 7 năm làm việc tại trại cao su, năm 24 tuổi, NS Thanh Hải phiêu bạt theo gánh hát. Năm 1959, ông được soạn giả Điền Long giới thiệu về đoàn Hữu Chí, đặt nghệ danh Thanh Hải. Khi ông về đoàn Thủ Đô, nhờ các tuồng của soạn giả Thu An, ông được khán giả yêu thích và báo giới Sài Gòn thời đó gọi ông là “Vua ngâm Tao Đàn”, đó là một bước ngoặt lớn trong đời nghệ sĩ của ông.

NS Thanh Hải - NSƯT Ngọc Hương thập niên 1960 - 1970 (ảnh tư liệu)

NS Thanh Hải – NSƯT Ngọc Hương thập niên 1960 – 1970 (ảnh tư liệu)

Soạn giả NSND Viễn Châu từng phân tích: Ngâm thơ có nhiều lối: Sa Mạc, Vân Tiên, Tao Đàn… nhưng theo lối Tao Đàn âm điệu nghe mượt mà, trữ tình và bay bổng hơn. Cách ngâm Tao Đàn tuy không có tiết tấu, nó có phần như cách ngâm tự do nhưng độ ngân của làn hơi được trải dài và Thanh Hải là người đầu tiên sáng tạo đưa vào bài ca cải lương thành công.

NS Thanh Hải kết hợp ca ngâm vọng cổ thuần khiết với ngâm Tao Đàn, không chỉ ở những câu nói lối mà trong lòng câu vọng cổ, vừa mượt mà, trữ tình, nam tính. Có lẽ chất giọng “đồng” của Thanh Hải có âm vực rộng, ca có thanh điệu, âm sắc du dương nên đi vào lòng người nghe, tạo nét mới cho bài vọng cổ.
NSƯT Ngọc Hương khi nhắc đến NS Thanh Hải, đã nói, soạn giả Thu An viết kịch bản bao giờ có đoạn ngâm thơ theo lối Tao Đàn và NS Thanh Hải ngâm ngọt lịm, giọng ngâm trầm bổng nhấn nhá khó ai thay thế.

NS Thanh Hải có giá cát sê cao nhất thời đó so với các kép trẻ. Khi ông còn ở đoàn Kim Chưởng, hợp đồng thù lao đã là 1,2 triệu đồng (giá kỷ lục của năm 1963), cao hơn cả nhiều ngôi sao đương thời. Năm 1967, NS Thanh Hải đoạt HCV xuất sắc giải Thanh Tâm với vai Quách Tĩnh (vở “Anh hùng xạ điêu”), cùng một đợt với NSND Ngọc Giàu.

Nghệ sĩ Thanh Hải trút hơi thở cuối cùng lúc 12 giờ 30 ngày 16-9-2014 tại nhà riêng, hưởng thọ 81 tuổi. Còn NSƯT Ngọc Hương mất ngày 30-11-2017 do căn bệnh ung thư gan ở Viện Điều dưỡng quận 8 , TP HCM; hưởng thọ 76 tuổi.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *