Thanh Hằng: ‘Tôi nợ Hoài Linh ân tình’

Thanh Hằng: ‘Tôi nợ Hoài Linh ân tình’

23/03/2021
929 Lượt xem

(CLV) – Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng nói nếu không có Hoài Linh bao bọc, chị có lẽ vẫn sống bôn ba ở Australia, không được trở lại sân khấu.

Nhân kỷ niệm 40 năm làm nghề, nghệ sĩ Thanh Hằng tổ chức show Thương hoài hai tiếng cải lương tại TP HCM đầu tháng 4, với sự dàn dựng của “bầu” Gia Bảo. Chị diễn lại ba trích đoạn từng gây tiếng vang, mời nhiều gương mặt thân thiết hát chung như danh hài Hoài Linh, ba người em Thanh Ngân, Ngân Quỳnh, Thanh Ngọc, nghệ sĩ Thoại Mỹ, Vũ Luân

– Vì sao ở tuổi 62, chị mới làm show riêng?

– Một liveshow đánh dấu cột mốc trong nghề là điều tôi ấp ủ suốt 40 năm ca hát. Thực ra, 5 năm trước, nghệ sĩ Hoài Linh – người em thân thiết của tôi – muốn giúp tôi làm một đêm nhạc nhân dịp về nước sau 15 năm định cư ở Australia. Lúc ấy, em đã đặt giúp tôi tên liveshow là Ngày trở về. Có điều, công việc cứ cuốn tôi theo, hết ca hát, đóng tuồng đến làm giám khảo game show. Tính tôi lại ngại làm phiền đồng nghiệp. Tôi có thể bỏ dở công việc để nhận lời diễn cho show của bạn, nhưng đến lượt mình, tôi cứ đắn đo: “Liệu có ảnh hưởng công việc người ta chăng?”. Cứ thế, dự định làm liveshow dần bị quên lãng.

Danh hài Hoài Linh (trái) là khách mời trong show kỷ niệm 40 năm ca hát của Thanh Hằng. Ảnh: THVL.

Danh hài Hoài Linh (trái) là khách mời trong show kỷ niệm 40 năm ca hát của Thanh Hằng. Ảnh: THVL.

Gần đây, nghệ sĩ Gia Bảo mới nhắc tôi về tâm nguyện năm nào. Tôi chợt nhận ra thời gian không còn chờ mình nữa. Tôi xuống nhà thờ tổ nghiệp ở quận 12 để hỏi ý kiến Hoài Linh. Em gật đầu: “Làm đi chị”. Nghệ sĩ Thanh Ngân – em gái tôi – cũng nói: “Chị Hai mà làm show, dù bận cỡ nào, em cũng hủy hết để diễn với chị”. Tôi nhẹ cả lòng.

– Chị và Hoài Linh giữ mối thâm tình ra sao?

– Tôi nợ nhiều ân tình từ Hoài Linh. Em thương tôi như chị ruột. Thập niên 2000, khi mới sang Australia sống cùng chồng con, tôi bỏ nghề diễn, làm nail. Một thời gian sau, mắc bệnh gai cột sống, không thể ngồi nhiều, tôi đi bán nước trái cây. Những lúc nhớ sân khấu quá, tôi thường ra công viên vắng người, mở nhạc nền để ca, diễn. Mỗi lần như thế, nước mắt cứ trào ra, tôi khóc cười cho thỏa rồi về nhà nấu cơm. Nhiều lúc, tôi muốn vứt hết tất cả để về nước, nhưng nghĩ đến con, tôi lại thôi.

Lúc ấy, Linh sang thăm tôi nhân chuyến lưu diễn. Chứng kiến cuộc sống bấp bênh của tôi, Linh động viên tôi về nước làm lại từ đầu. Em nhiều lần ngỏ ý: “Chị về đi, chị còn làm được mà. Em sẽ giới thiệu show cho chị”. Khi ấy, vì hoàn cảnh gia đình, tôi đành nói: “Em thương chị, giờ con còn nhỏ quá, đợi khi nào các bé trưởng thành hơn, chị sẽ về với em”. Vài năm sau, con gái tôi 18 tuổi, tốt nghiệp phổ thông. Đúng lúc ấy, Linh lại sang, nhắc tôi về dự định cũ. Hai tay xách valy ra sân bay, cùng Hoài Linh, tôi quyết định trở lại sân khấu.

Show đầu tiên tôi làm giám khảo trong nước – Thử tài siêu nhí 2016 – là do Linh giới thiệu. Khi tôi tái xuất màn ảnh với loạt phim như Xóm gà, Ra giêng anh cưới em, Hương quê, Lênh đênh phận bạc…, Linh luôn là người đứng đằng sau.

Thanh Hằng, Hoài Linh, Việt Hương trong tiểu phẩm “Thằng Mắm, con Muối”. Video: Pops.

– Kỷ niệm nào với Hoài Linh khiến chị nhớ nhất?

– Lúc tôi mới về Việt Nam, sợ tôi xa quê đã lâu, không có ai nương tựa, Linh đưa tôi từ sân bay về nhà em bên quận Phú Nhuận, ở phòng cũ của bố mẹ Linh. Lo phiền gia đình em, tôi xin dọn ra để tiện sinh hoạt. Em dặn, đi đâu, làm gì, ở đâu cũng nhắn để em an tâm. Tôi nghĩ đời nghệ sĩ chỉ cần tình nghĩa đong đầy như thế là mãn nguyện rồi. Linh chắc chắn không thể vắng mặt trong show của tôi.

– Vì sao chị chọn nghệ sĩ Gia Bảo làm đạo diễn chương trình?

– Tôi và Gia Bảo có mối duyên lành. Bố mẹ tôi vốn là diễn viên của đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Lúc mới về đoàn, tôi khởi nghiệp là diễn viên múa, sau đó dần được các cô, chú chỉ bảo cách ca diễn. Đôi chân mày đầu tiên của tôi do cô Thanh Nga vẽ, cô cũng dạy tôi ngâm bốn câu thơ trong tuồng Bên cầu dệt lụa. Nghệ danh của tôi là từ ghép của Thanh Nga và Mỹ Hằng (tên thật). Dù đi đâu, tôi luôn xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Sau này, chuyển sang tấu hài, tôi còn nhiều năm đồng hành cùng chú Sáu Bảo Quốc – ông nội Gia Bảo.

Khi về nước, trở lại với sân khấu tuồng cổ, tôi cộng tác cùng Gia Bảo ở loạt chương trình Tài danh đất Việt. Sau này, Bảo thường dàn dựng lại các tác phẩm kinh điển. Vở nào Bảo đạo diễn, tôi cũng tham gia, từ Tiếng trống Mê Linh, Đời cô Lựu đến Lan và Điệp. Ban đầu, chúng tôi xưng là “cô – con”, rồi chuyển sang “mẹ – con”. Tôi luôn an tâm khi có Bảo đứng bên. Dự án này cũng vậy, Gia Bảo nói: “Mẹ chỉ cần học thuộc tuồng, mọi việc còn lại cứ để con lo”.

Từ trái qua: ba chị em Ngân Quỳnh, Thanh Hằng, Thanh Ngọc. Ảnh: Sâu Béo.

Từ trái qua: ba chị em Ngân Quỳnh, Thanh Hằng, Thanh Ngọc. Ảnh: Sâu Béo.

– Sau 5 năm về nước, cuộc sống của chị thay đổi ra sao?

– Tôi hạnh phúc vì được sống cạnh mẹ, được gần gũi với khán giả. Tôi cũng tậu được nhà và xe, cuộc sống coi như đủ đầy. Hai con gái đã lớn, có công ăn việc làm, tôi không còn vướng bận gì nhiều. Con út tôi rất mê ca, hát tiếng Việt giỏi dù sinh ra, lớn lên ở nước ngoài. Con bé ước sau này làm ca sĩ. Tôi vui lắm, nhưng cũng có đôi chút tiếc nuối vì bé không theo cải lương như mẹ.

Thanh Hằng sinh năm 1959 trong một gia đình có truyền thống cải lương. Mẹ chị là nghệ sĩ Kim Hoa, bà ngoại là nghệ sĩ Tư Hélène. Thanh Hằng nổi tiếng với các vở Người đẹp Bạch Hoa Thôn, Giọt lệ cố nhân, Tứ Tử Đăng Khoa, Một kiếp đọa đày, Xử án Trần Thế Mỹ, Cho trọn tình đầu, Hàn Mạc Tử, Thần đồng Lưu Minh Châu, Bọt biển, Lòng người đen bạc, Nỗi oan hoàng hậu, Tóc mai sợi vắn… Năm 1991, chị giành huy chương vàng giải cải lương Trần Hữu Trang. Năm 1997, Thanh Hằng đoạt giải Mai Vàng với vở Duyên kiếp của soạn giả Hoàng Song Việt. Các em Thanh Hằng – Ngân Quỳnh, Thanh Ngọc, Thanh Ngân – đều theo nghiệp hát, diễn.

Tam Kỳ


5/5 - (2 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *