Thiếu kịch bản có tầm, sân khấu Việt chỉ trông vào “quá khứ” để sống

Thiếu kịch bản có tầm, sân khấu Việt chỉ trông vào “quá khứ” để sống

Chưa phân loại
19/08/2019
605 Lượt xem

Tự chủ là hướng đi tất yếu của các nhà hát công lập. Để tồn tại trong bối cảnh mới, kịch bản hay là yếu tố sống còn của một nhà hát để lôi kéo khán giả đến với rạp hát. Thế nhưng, đây lại đang là khâu yếu nhất của sân khấu Việt đã rất lâu rồi, sân khấu vắng bóng những tác giả có tầm.

Khủng hoảng khán giả

Trước hết, cần khẳng định, tự chủ là hướng đi cần thiết và đúng đắn để nâng cao tính chủ động, nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường. Đây cũng là động lực khuyến khích các đơn vị đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật để có cơ hội mang về nguồn doanh thu lớn hơn, giúp nghệ sĩ có điều kiện làm nghề và sống bằng nghề, từ đó giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Những năm gần đây, sân khấu thường xuyên lâm vào tình trạng khủng hoảng khán giả, nhất là khi phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với hàng loạt loại hình giải trí nghe nhìn khác. Trong guồng quay gấp gáp, sôi động, những tích tuồng, điệu cải lương, câu chèo dường như trở nên lạc nhịp, không ít đơn vị lâm vào cảnh sống lay lắt. Có những tác phẩm được đầu tư, dàn dựng công phu, nhận về đánh giá cao từ giới trong nghề, nhưng khi ra rạp chỉ bán được rất ít vé. Nhiều lãnh đạo đơn vị băn khoăn: thu còn không đủ chi thì lấy đâu tích lũy để tái tạo khả năng sáng tạo nghệ thuật, chưa nói phải tự chủ kinh tế hoàn toàn.

Chương trình thơ nhạc "Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại" 2018

Chương trình thơ nhạc “Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại” 2018

Thế nhưng, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong quá trình các nhà hát công lập tiến tới tự chủ hoàn toàn.

Tồn tại cách nào?

Sân khấu đang thiếu đi những kịch bản “sống cùng năm tháng” như: Lời thề thứ 9, Đi tìm thủ phạm, Bệnh sỹ của Lưu Quang Vũ. Sở dĩ, những tác phẩm này dù đã ra đời cách đây vài chục năm nhưng chưa thôi đi sức hấp dẫn bởi đã đề cập trúng những vấn đề của xã hội đương thời và đặc biệt, tính dự báo vẫn còn đúng ngay cả trong bối cảnh ngày nay.

Sân khấu thời mở cửa dù ra đời nhiều tác phẩm được dàn dựng công phu, thậm chí đầu tư tiền tỷ nhưng sức sống của những vở diễn ấy lại tỉ lệ nghịch với con số đầu tư và làm lãng phí nguồn lực của nhà nước. Đặc biệt, không ít đơn vị nghệ thuật còn tập trung khai thác các yếu tố ma mị, đồng tính… để gây sốc cho khán giả. Nhưng các chiêu trò giật gân, câu khách tưởng như có thể vực dậy được nền kịch nghệ đang “ngủ say” hóa ra lại không phát huy được nhiều tác dụng đến vậy. Cái gì nhiều quá cũng hóa nhàm, giờ đây, những vở kịch ma cũng trở nên chẳng có gì là tò mò với khán giả. Có lẽ, người xem vẫn đang khao khát được thưởng thức các tác phẩm có tầm nhìn vượt thời gian được xây dựng từ những câu chuyện của ngày hôm nay.

Đi tìm những gương mặt “Lưu Quang Vũ mới” của sân khấu Việt Nam hiện đại đang là vấn đề làm đau đầu lãnh đạo các nhà hát, đặc biệt trong bối cảnh thời khắc chuyển giao giữa bao cấp sang tự chủ chỉ còn tính bằng tháng, bằng ngày. Có kịch bản hay đồng nghĩa với việc, nhà hát tìm được nguồn kinh phí đầu tư từ nhà nước, là có thêm một khoản đầu tư nuôi sống các nghệ sỹ. Hơn thế, có kịch bản hay, sân khấu sẽ có thêm cơ hội lôi kéo khán giả đến với rạp hát. Thế nhưng, tìm đâu ra những Lưu Quang Vũ mới khi mà số lượng các cây bút viết kịch bản cho tuồng, chèo, cải lương còn lại quá ít ỏi. Có kịch bản đã tốt, chưa nói tới kịch bản hay.

Từ góc độ của một người hoạt động sân khấu nhiều năm, NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội nhận định, thực trạng của sân khấu Thủ đô những năm gần đây luôn trong tình trạng buồn bã, ít vở diễn, không nhiều nhà hát luôn sáng đèn… Phải chăng đó là sự thiếu vắng của các tài năng trẻ. Số vở diễn có những tìm tòi, sáng tạo mới với các mảng, miếng và lối dàn cảnh táo bạo, thể hiện được nội dung bằng sự tổng hợp các yếu tố nghệ thuật khác nhau thành một vở diễn thống nhất và hoàn chỉnh còn quá ít.

Vở kịch "Ai là thủ phạm" của tác giả Lưu Quang Vũ do các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn

Vở kịch “Ai là thủ phạm” của tác giả Lưu Quang Vũ do các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn

Lý giải điều này, nhà lý luận phê bình sân khấu Lê Quý Hiền cho rằng hiện nay một bộ phận không nhỏ tác giả, đơn vị nghệ thuật trở nên thực dụng, một số khác lại có tầm nhìn chưa cao nên ngại “động chạm” đến những vấn đề “nhạy cảm”.

Để sân khấu đương đại có thêm nhiều tác giả có tầm như Lưu Quang Vũ, nhà biên kịch Lê Quý Hiền chia sẻ, trước tiên các nhà viết kịch phải có tính phát hiện và phản biện, phải “tan” trong đời sống nhân vật chứ không phải để nhân vật nói thay lời tác giả. Điều này, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã làm được và làm rất tốt. Bên cạnh đó, hoạt động sân khấu phải không có yếu tố về lợi ích nhóm. Khi nhóm lợi ích có trong sân khấu sẽ triệt tiêu sáng tạo cùng tài năng và chỉ còn lại những thứ gọi là tác phẩm nhằm chia chác.

Hương Thủy


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *