Tự hào “viên ngọc” cải lương 100 tuổi: Cải lương không bao giờ chết

Tự hào “viên ngọc” cải lương 100 tuổi: Cải lương không bao giờ chết

Chưa phân loại
06/10/2018
494 Lượt xem

LTS: Nhân bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam tròn 100 năm hình thành và phát triển, Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài nhìn lại để thấy điều gì đã làm nên sức sống của bộ môn nghệ thuật độc đáo này

Cải lương vẫn tiếp tục sinh tồn như chính bản chất của loại hình, vừa có tính chọn lọc để dung nạp cái mới vừa thích nghi với hoàn cảnh

Nghệ thuật dĩ nhiên là mang lại giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ; cải lương là một bộ môn nghệ thuật, hẳn là không nằm ngoài các giá trị mà nó cống hiến cho cộng đồng. Ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, cải lương một mặt mang tinh thần yêu nước và ý thức chống ngoại xâm giành lại độc lập.

Phong cách riêng làm nên dấu ấn

Trước tiên, phải nói cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, hình thành trên cơ sở dòng nhạc đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long, nhạc tế lễ.

Tự hào “viên ngọc” cải lương 100 tuổi: Cải lương không bao giờ chết - Ảnh 1.

NSND Bạch Tuyết với những vai diễn để đời Ảnh: THANH HIỆP

Giải thích chữ “cải lương” theo nghĩa Hán Việt, giáo sư Trần Văn Khê cho rằng: “Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn”, thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản.

Tự hào “viên ngọc” cải lương 100 tuổi: Cải lương không bao giờ chết - Ảnh 2.

NSND Bạch Tuyết luôn dìu dắt thế hệ nghệ sĩ trẻ tiếp bước trên con đường giữ độ sáng cho viên ngọc cải lương 100 tuổi Ảnh: THANH HIỆP

Về thời gian ra đời, theo Vương Hồng Sển: Tuy có người cho rằng cải lương đã manh nha từ năm 1916 hoặc là 1918 nhưng kể từ ngày 16-11-1918, khi tuồng “Gia Long tẩu quốc” được công diễn tại Nhà hát Tây Sài Gòn, cách hát mới lạ này mới bành trướng không thôi, mở đầu cho nghề mới, lấy đờn ca và ca ra bộ ra chỉnh đốn, thêm thắt mãi, vừa canh tân vừa cải cách… nên cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ…

Nói đến dấu ấn của cải lương thời vàng son, chính phong cách của mỗi đoàn, mỗi ông bầu, bà bầu gánh hát muốn gầy dựng cho thương hiệu của mình đã làm nên sự đa dạng, phong phú cho đời sống sân khấu cải lương. Ví dụ trước 1975, có Đoàn Cải lương Hoa Sen của nghệ sĩ Bảy Cao diễn những vở có yếu tố điện ảnh, có những kỹ thuật hiện đại nhất thời bấy giờ. Nên cải lương là hiện đại nhất, có thể tiếp nhận tất cả các loại hình nghệ thuật khác, làm giàu thêm cho sự lấp lánh của cải lương.

Từ trái tim nghệ sĩ

Nghệ thuật nói chung, cải lương nói riêng luôn là sự phản chiếu đời sống xã hội, tâm trạng con người.

NSND Năm Châu, thầy của tôi, từng nói, chỉ có điều, chất lượng phản ảnh có đến được với công chúng, có đánh thức thực tế, có góp phần thanh lọc tâm hồn khán giả hay không đó là điều những người làm nghệ thuật cải lương cần suy nghĩ. Tôi đi theo kim chỉ nam của thầy, từ cách dạy, cách suy gẫm cho vai diễn đến cách tiếp cận khán giả, theo quan sát của thầy Năm Châu, Phùng Há, tất cả mọi thứ đều xuất phát từ trái tim người nghệ sĩ biết đau nỗi đau của nhân thế. Cải lương, vì vậy, sản sinh nhiều con người vận hành nghệ thuật bằng lương tri, không xem nghề hát là chốn để mưu cầu danh lợi, biết đau nỗi đau thời cuộc. Và chính vì thế, biết bao thế hệ nghệ sĩ 100 năm qua đã góp phần làm nên kỳ tích trên mặt trận tư tưởng, dùng ngòi bút và sự tỏa sáng trên sàn diễn để đồng cảm cùng người xem, tạo nên sức mạnh phi thường: hướng đến tinh thần yêu nước của nhân dân.

Trăn trở lớn nhất

Tôi cho rằng cải lương là một loại hình nghệ thuật sân khấu đi cùng dân tộc, sống cùng dân tộc, vui buồn cùng dân tộc. Do đó, cải lương không bao giờ chết mà chỉ thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của xã hội. Cải lương hiện nay vẫn tiếp tục sinh tồn như chính bản chất của loại hình, vừa có tính chọn lọc để dung nạp cái mới vừa thích nghi với hoàn cảnh. Bản thân cải lương cũng đang chiếm ngự một vị thế đĩnh đạc trên các kênh giải trí, các nền tảng thiết bị công nghệ.

Với người nghệ sĩ, nỗi trăn trở lớn nhất, duy nhất là tác phẩm. Chúng tôi không có thói quen ngồi than thở, trách móc mà chú tâm đi tìm nguồn cảm hứng từ những kịch bản sân khấu, nếu ít ỏi, khan hiếm thì đi tìm trong kịch bản văn học trong tác phẩm văn học, cổ điển lẫn đương đại.

Nếu còn lại điều gì để lo lắng, mất ngủ chính là làm sao để những thành quả sáng tạo trên được tiếp thị và trao tận tay khán giả một cách đàng hoàng, văn minh và trọn vẹn nhất. Ấy là một nhà hát biểu diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, là không gian nghệ thuật mà thật sự đến giờ vẫn chỉ là… trong mơ!

Cách tân là một nhân tố, một phẩm chất của nghệ thuật, nó lại là ngọn nguồn mang tính bản chất hình thành của cải lương. Theo tôi, những mẫu nhân vật như Nguyệt (trong “Tô Ánh Nguyệt”), Lựu (trong “Đời cô Lựu”) đều phảng phất tinh thần của “phụ nữ mới”, của hơi hướng Tự lực văn đoàn, của sự du nhập văn học cổ điển Pháp trong tiến trình hoàn thiện chữ quốc ngữ, hiện đại nền quốc văn Việt Nam. Tính chất ấy đến nay vẫn tiếp tục rất cần cho sân khấu cải lương, không chỉ trong nghệ thuật ca diễn mà còn trong kịch bản, dàn dựng, âm nhạc…

Kỳ tới: Biến nhạc cụ Tây thành guitar cải lương

Đồng hành cùng sức sống dân tộc

Đi qua 100 năm, cải lương luôn đồng hành cùng sức sống dân tộc, là “vũ khí” cùng góp tiếng nói phản kháng các cuộc áp bức, đô hộ; là tiếng lòng khao khát hòa bình, độc lập, thể hiện tình yêu non nước của nhân dân Việt Nam; đồng thời kêu gọi đoàn kết, giữ gìn, bảo vệ, phát huy nét đẹp ngàn đời của văn hóa dân tộc. Tất cả đã tạo nên giá trị nền tảng của bộ môn nghệ thuật cải lương mà những nghệ sĩ tiền bối đi trước như: nhạc sĩ Nguyễn Quang Đại, Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền, nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Năm Nghĩa, Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nam, Ba Vân, Tám Vân, Thành Tôn, Kiên Giang, Hà Triều, Hoa Phượng, Viễn Châu, Chi Lăng… và rất nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, soạn giả, danh cầm tài hoa đã mài giũa thành viên ngọc quý mang tên cải lương.

NSND Bạch Tuyết


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *