Tự tình cải lương: Trăm năm chìm nổi với đất

Tự tình cải lương: Trăm năm chìm nổi với đất

Chưa phân loại
30/01/2019
539 Lượt xem

Như chính thân phận của kịch hát, nơi cùng một lúc một nơi, có thể bạn được tôn vinh, có thể bạn bị chà đạp.
c5ced tu tinh cai luong 405Có lẽ những ai đã đến với buổi tưởng niệm 40 năm ngày ra đi của nữ nghệ sĩ Thanh Nga đều cảm nhận được một không gian tôn kính, một tình yêu, một sự luyến tiếc đặc biệt đối với một huyền thoại sân khấu cải lương. Và nếu nhiều khán giả đã tôn vinh chị như là một biểu tượng của cải lương thì phải chăng những tình cảm trân quý đó cũng chính là “thước đo” tình yêu, sự trân trọng của họ đối với cải lương, loại hình nghệ thuật đã gieo mầm, ươm trồng và nuôi dưỡng nên một vẻ đẹp trường sinh và cốt cách nghệ thuật đạt tới đỉnh cao nơi người nghệ sĩ?
Ảnh hưởng của cải lương là có thật đối với đời sống tinh thần của công chúng, nhất là với người dân miền Nam. Sự hiện diện của loại hình nghệ thuật này trong suốt trăm năm qua, hay lâu hơn thế, luôn gắn với vùng đất mở, là hơi thở xã hội, là lời tự tình dân tộc giữa những khúc quanh chìm nổi. Không vô cớ khi cuộc tiếp biến văn hóa đưa cải lương tịnh tiến từ đờn ca tài tử cùng vốn dân ca giàu có đến sự mở đầu mang tính sân khấu chuyên nghiệp lại nương vào các tác phẩm văn học đại diện cho Việt Nam như Kim Vân Kiều hay Lục Vân Tiên với một Từ Hải “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” hay một Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Đó là dũng khí, là tính cách hào hiệp của những lưu dân Nam bộ đi khai phá, tìm tự do và bảo vệ chính nghĩa.
Âm nhạc là sự thoát thai từ xúc cảm, và theo cách nào đó là từ giấc mơ khai phóng của con người để đi đến tự do hạnh phúc. Nếu nhìn về những thập kỷ đầu của sân khấu cải lương, giấc mơ nào cho những người con nước Việt giữa “ngã ba đường”, khi Pháp đã và đang từng bước hình thành nền cai trị thuộc địa lên Nam bộ, khi triều đình Huế ngổn ngang trên con đường dần hồi thoái vị, còn lương dân thì khốn khổ, ngơ ngác tự hỏi: “Nhà có còn một khi nước mất…?”. Và những giấc mơ đã nối tiếp nhau được viết, được vẽ, được dệt bằng những vở tuồng để nghệ thuật cải lương truyền tải tới mọi người dân bằng thứ tiếng Việt trong sáng, đẹp đẽ, giàu có.
Hay tiến trình hiện đại hóa chữ quốc ngữ cũng đã một phần nương cậy vào những sáng tác, chuyển thể văn học, thơ ca Việt sang những kịch bản sân khấu; những cải biên tiểu thuyết, truyện ngắn lãng mạn hay kịch cổ điển của Pháp sang những kịch bản cải lương.
Tôi nhìn thấy cải lương rất Tây ở tiết tấu – bố cục, ở tâm lý nhân vật được xây dựng, thúc đẩy nhanh, ở tính thắt – mở rất rõ nét và đa dạng, nhưng với cốt cách, tiếng nói, phục trang lại đậm đặc Ta. Nghệ sĩ Việt hát tuồng Việt cho khán giả Việt. Đó chính là Ta, cho Ta. Thời đại cải lương, từ mở đầu cho đến thời hoàng kim, đã được xiển dương qua những thế hệ nghệ sĩ tài danh và nặng lòng với dân tộc như những Nguyễn Thành Châu, Phùng Há, Trần Hữu Trang…, cho đến thế hệ nghệ sĩ được mệnh danh là “thế hệ vàng” và tiếp theo đó là những thế hệ tài năng trẻ đi ra từ giải thưởng Trần Hữu Trang hay các liên hoan nghệ thuật sân khấu.

Cải lương ở góc độ là một loại hình nghệ thuật – một danh từ, bỗng bị người ta rủ nhau sử dụng như một tính từ để ám chỉ sự sến súa, màu mè, thấp cấp mà không phải để ngợi ca tính đổi mới và tiến bộ đúng bản chất của nó là “Cải cách hát ca theo tiến bộ; Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

Cải lương đã trở thành loại hình kịch hát duy nhất có mặt ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam, hiện diện bằng các đoàn hát, bằng một lực lượng nghệ sĩ chuyên nghiệp với một lượng khán giả dồi dào. Để trong cơn vũ bão gameshow và các chương trình truyền hình thực tế, cũng chính cải lương là loại hình sân khấu dân tộc duy nhất góp sức vào, thậm chí nổi lên như một lợi thế, khi bóng dáng của cải lương xuất hiện ở hầu hết các thể loại chương trình giải trí.
Thế nhưng như chính thân phận của kịch hát, nơi cùng một lúc một nơi, có thể bạn được tôn vinh, có thể bạn bị chà đạp. Tôi đọc được điều này từ một nghệ sĩ kịch nghệ Anh, và cũng với nội dung tương tự từ một đạo diễn người Nhật. Cải lương ở góc độ là một loại hình nghệ thuật – một danh từ, bỗng bị người ta rủ nhau sử dụng như một tính từ để ám chỉ sự sến súa, màu mè, thấp cấp mà không phải để ngợi ca tính đổi mới và tiến bộ đúng bản chất của nó là “Cải cách hát ca theo tiến bộ; Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Sự quay ngoắt ấy có thể là hệ quả của việc người ta đã dụng nghệ thuật cải lương một cách cẩu thả, thô thiển, phi nghệ thuật mà cũng có khi là do người ta muốn ra dáng văn minh, thời thượng. Nhưng sự “che đậy” đó không thể “thay máu” cho âm cảm nguồn cội, bởi âm nhạc cải lương lọt lòng từ những âm điệu ngũ cung trong lời ru của mẹ, từ quy luật bằng trắc được gieo trong tiếng-nước-tôi vốn đã đượm hồn đá núi, sông hồ, cỏ cây của quê hương, xứ sở.
Bất giác, đặt để cải lương bên chuyện nóng về nhà hát trong năm 2018 – năm kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, để thấy những ý định đầu tư thiết chế văn hóa vẫn không công bằng cho các loại hình nghệ thuật. Cũng để thấy cải lương hiện hữu trong lòng công chúng từ trăm năm qua, được yêu thương hay chịu thiệt thòi, nó vẫn lớn ròng theo con nước mà tồn tại, mà đi về.
Cũng như Sài Gòn hơn ba trăm năm tuổi hay thành phố mới – TPHCM hơn bốn mươi năm qua: sự trù phú của một vùng đất mở cùng những nỗi thương khó, cần cù, sáng dạ đã gom góp sức người, sức của mà gánh vác chung, nhưng đôi khi lại nhận về mình những thiệt thòi, nghi ngại không đáng có.

Bạch TuyếtNghệ sĩ nhân dân, Tiến sĩ nghệ thuật học


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *